Bài 11: Tân Vũ - Lạch Huyện, những kỷ lục ở cây cầu vượt biển nằm trong TOP 10 thế giới

06:06 | 22/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hơn 3 năm xây dựng, năm 2017, dự án xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện chính thức hoàn thành, thông xe đưa vào khai thác. Đây cũng là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và nằm trong trong TOP 10 thế giới.

Cây cầu vượt biển hiện đại bậc nhất Việt Nam

Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là một trong hai hợp phần chính của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện, cảng cửa ngõ quốc tế. Dự án gồm 1 gói thầu xây lắp do Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 thực hiện, với tổng mức đầu tư của là 11.849 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài là 15,63 km với điểm đầu tại nút giao Tân Vũ giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại lý trình Km100+891 và điểm cuối tiếp giáp với cổng cảng Lạch Huyện.

Một trong những điểm nổi bật tại cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là đường công vụ được thực hiện theo công nghệ ống vải địa kỹ thuật. Đây là hệ thống ống vải có đường kính khoảng từ 4,6-9,5m lần đầu tiên được thi công ở Việt Nam. Mỗi ống dài 50m ghép lại với nhau, được bơm đầy cát bên trong, tạo thành một bờ đê bao vững chắc, chịu được sóng biển. Công nghệ này chủ yếu được sử dụng để làm đê bao lấn biển.

Công nghệ này được đánh giá là hiện đại nhất thế giới và đã được chuyển giao cho đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam.

Bài 11: Tân Vũ - Lạch Huyện, những kỷ lục ở cây cầu vượt biển nằm trong TOP 10 thế giới - ảnh 1

Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,63km, bao gồm 5,44km cầu vượt biển. (Ảnh: Zing)

Ngoài ra, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam có một đường hầm đặc biệt ngay dưới mặt cầu. Đây được coi là chiếc hộp kỹ thuật khổng lồ của công trình thế kỷ này.

Đường hầm rộng khoảng 16m, dài hơn 5km. Bên trong đường hầm là hệ thống cáp và được trang bị đèn chiếu sáng. Những đường dây này đảm bảo sự vận hành của cầu vượt biển, đáp ứng cho phương tiện chạy với vận tốc 80km/h trên 4 làn đường.

Ông Toshihiro Kurokawa, Giám đốc dự án chia sẻ: “Nhật Bản là nước có kinh nghiệm trong việc xây cầu vượt biển. Tất cả những công nghệ hiện đại nhất của đất nước tôi đã được đưa sang Việt Nam để thực hiện dự án này”.

Ông Kurokawa cho biết đơn vị thi công đã sử dụng phương pháp đúc sẵn các đốt dầm bê tông cốt thép (SBS). Phương pháp này lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam và hiện đại bậc nhất thế giới.

Và, công trình này đã ghi dấu ấn của hai nhà thầu nội trong liên danh là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.

Công trình tạo nên sự bứt phá

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công từng khẳng định: Dự án xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là một trong những công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Dự án được xây dựng, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi và trong tương lai sẽ tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Với Hải Phòng nói riêng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ kết nối và phát triển kinh tế ven biển của thành phố, góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho những dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.  Bên cạnh đó, dự án còn góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại, giảm tai nạn, rủi ro do vận chuyển bằng phà và sà lan, giảm tai nạn và sự tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh Nam Triệu hiện nay.

Cũng đánh giá về dự án này, ông Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV cho biết, việc hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường và cầu vượt biển đã tác động tích cực về KT-XH cho huyện đảo Cát Hải và TP.Hải Phòng. Đặc biệt, dự án đã góp phần tăng tốc độ tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế của huyện đảo Cát Hải thông qua việc cải thiện khả năng kết nối bằng đường bộ giữa đảo Cát Hải và TP.Hải Phòng, cũng như giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian đi lại và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

"Hiệu quả KT-XH do dự án mang lại được phản ánh cụ thể qua việc thu hút các dự án đầu tư lớn về du lịch, công nghiệp đến với huyện đảo Cát Hải. Cụ thể, ngày 14/5/2017, Tập đoàn Sun Group đã khởi công đầu tư hạ tầng du lịch tại đảo Cát Hải và Cát Bà với giá trị ước tính lên tới 5.000 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại đảo Cát Hải với giá trị đầu tư giai đoạn 1 ước tính hơn 1 tỷ USD”, ông Thọ đánh giá và cho biết, việc xây dựng cây cầu nối liền giữa đảo Cát Hải và TP.Hải Phòng đã giúp cư dân đảo Cát Hải thuận tiện tiếp cận trung tâm thành phố với thời gian và chi phí thấp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các cư dân trong phạm vi dự án đi qua.

Theo thống kê của Sở GTVT TP.Hải Phòng, năm 2019, toàn thành phố đã có 81 cây cầu với tổng chiều dài 25,5 km. Trong đó, hơn 70 cây cầu được đưa vào khai thác, sử dụng trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường nông thôn và các tuyến quốc lộ.

Từ năm 2015-2018, toàn TP đã triển khai xây mới 38 cầu. Giai đoạn 2018-2019, thành phố tiếp tục triển khai xây dựng 17 cây cầu, trong đó có nhiều cầu lớn như: Cầu Hoàng Văn Thụ, cầu vượt nút giao Nam cầu Bính, cầu vượt sông Văn Úc, cầu vượt sông Thái Bình…

TS. Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Hải Phòng đánh giá, những chiếc cầu được xây dựng trong thời gian qua có ý nghĩa rất lớn với đời sống KT-XH của người dân đất Cảng. Nó không chỉ khẳng định sự phát triển vượt bậc của thành phố trong thời gian qua mà còn tạo tiền đề, động lực to lớn giúp Hải Phòng nâng tầm cùng với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Qua đó khẳng định vị thế quan trọng của một thành phố trực thuộc Trung ương góp phần to lớn cùng sự phát triển và phồn vinh của đất nước.

Hành trình không dễ dàng

Chia sẻ với báo chí về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Anh Chi, Giám đốc Quản lý chất lượng dự án (nhà thầu Sumitomo) cho biết, công trình chính thức được khởi công xây dựng ngày 15/5/2014 và trải qua 3 năm thi công đầy gian nan. Tổng cộng gần 5 km vượt biển khó nhất do Sumitomo đảm nhận đều sử dụng công nghệ lao lắp. Để khớp các đốt với nhau, nhà thầu dùng một giàn lao “khủng”, lên đến 1.400 tấn nâng các đốt dầm lên nối với nhau. Giàn lao rất mạnh có thể nâng một lúc 19 dầm đúc sẵn có trọng lượng 80 tấn. Ngoài việc sử dụng giàn lao lắp khổng lồ thì phần móng của dự án đã được Sumitomo sử dụng công nghệ “vòng vây cọc ván thép. Công nghệ này đã từng làm tại cầu Nhật Tân và áp dụng tại đây là lần thứ hai…”.

Bên cạnh đó, việc bao quát cả công trường rộng lớn, kéo dài đến 16 km trên biển với ba nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn. Ba nhà thầu liên danh (Sumitomo - CIENCO4 - Trường Sơn) có phạm vi công việc khác nhau nên việc quản lý khối lượng lớn các hạng mục để bảo đảm sự thống nhất, tiến độ, chất lượng luôn là một thử thách.

Giám đốc Quản lý chất lượng dự án cũng chia sẻ: "Dù đã tham gia xây dựng nhiều cây cầu ở Nhật Bản như: SEIUN, YABEGAWA,... nhưng chưa thấy ở đâu điều kiện về địa hình, thời tiết lại khắc nghiệt như dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Công trình nằm ở vị trí cửa biển, mỗi năm hứng chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Đáng nhớ nhất vào tháng 8/2018, cơn bão số 3 (Thần Sét) đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, sóng to gió lớn đã làm hỏng 42 đốt dầm, hơn 1km đường công vụ, khiến nhà thầu thiệt hại hơn 48 tỷ đồng”.

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 2/9/2017, dự án xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện chính thức hoàn thành, thông xe đưa vào khai thác trong niềm vui vô bờ của người dân thành phố Cảng, phá bỏ thế ốc đảo, đưa Cát Hải về với TP.Hải Phòng chỉ bằng vài phút qua cầu, thay vì hàng tiếng qua phà như trước đây. Đó cũng là minh chứng cho sự thành công của các doanh nghiệp trong dự án mang tầm cỡ thế giới!

Top 10 cây cầu vượt biển dài nhất thế giới

1.Cầu vịnh Giao Châu là một cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nằm ở tỉnh Sơn Đông miền đông Trung Quốc xuyên qua vịnh Giao Châu, kết nối huyện Hoàng Đảo, thành phố Thanh Đảo và đảo Hongdao. Cây cầu dài 36,48 km với 8 làn xe. 

2.Đông Hải là cây cầu lớn ở biển Đông và cũng là cây cầu vượt biển đầu tiên ở Trung Quốc, nối vùng đất liền Thượng Hải với Cảng Dương Sơn ở Trung Quốc. Cầu có tổng chiều dài 32.5km.

3.Cầu King Fahd Causeway (Ả Rập và Bahrain) được thiết kế hình S với 3 phần. Phần trên mặt đất dài 3,7 km, phần giữa Luchaogang Đàm đến Đảo Dawugui là khoảng 25,3 km, phần giữa đảo Dawugui đến Đảo Xiaoyangshan là 3,5 km.

4.Penang Bridge là cây cầu lưu thông hai chiều giữa tỉnh Gelugor và Seberang Prai của bán đảo Malay, Malaysia. Cầu có chiều dài 8.4 dặm tương đương vơi 13,5km, là cây cầu dài nhất Malaysia.

5.Rio-Niterói là cây cầu theo kiểu rầm hộp ở Vịnh Guanabara, Rio de Janeiro, Brazil dài 13 km.

6.Cầu Confederation (Canada) nối liền đảo Edward Prince, phía Đông Canada với New Brunswick, với chiều dài 8 dặm (tương đương với 12,9km).

7.Với chiều dài 11,3km, San Mateo Bridge là cây cầu nối liền bán đảo San Francissco với East Bay ở Bang California, Mỹ. 

8.Gần đúng với tên gọi “Seven mile bridge”, cây cầu này có chiều dài thực là 6,79 dặm tương đương 10,93km chạy qua eo biển nối liền vịnh Mexico và bang Florida.

9.Oresund là cây cầu kết hợp giữa một cầu dây văng trên mặt nước dài 8km và một đường hầm ngầm dưới lòng biển dài 4km, nối liền từ thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) đến thành phố Malmo (Thụy Điển). 

10.Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện nối bán đảo Đình Vũ với đảo Cát Hải, dài 5,4 km (tổng chiều dài của dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện hơn 15 km).


 

 Phạm Giang