'Bầu Hiển' và PV Power 'bắt tay' làm dự án điện khí 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh

14:55 | 09/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đề xuất của T&T Group, tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 được đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 123,8ha, chưa bao gồm 100ha diện tích mặt nước.

Mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn T&T -  ông Đỗ Quang Hiển đã có văn bản đề xuất tỉnh Hà Tĩnh xem xét, chấp thuận ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa T&T và PV Power về việc hợp tác đầu tư và phát triển dự án tổ hợp điện khí LNG với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng.

Trước đề xuất của T&T Group, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trấn Tiến Hưng đã có văn bản giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét tham mưu với UBND tỉnh trả lời ý kiến đề xuất của Tập đoàn T&T.

Theo đại diện Tập đoàn T&T, trước đó, ngày 5/12/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản 7683/UBND-KT đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát các vị trí phù hợp, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện.

'Bầu Hiển' và PV Power 'bắt tay' làm dự án điện khí 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh - ảnh 1

Phối cảnh Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 do Tập đoàn T&T thực hiện

Sau khi khảo sát, T&T đánh giá địa điểm TDP Nhân Thắng và Thắng Lợi, thuộc phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đủ các điều kiện tự nhiên và kỹ thuật để thực hiện dự án. Tuy nhiên, địa điểm thực hiện dự án này đã được phê duyệt quy hoạch để xây dựng nhà máy điện Vũng Áng 3.1 và Vũng Áng 3.2 sử dụng nguyên liệu than nhập theo quyết địnhh số 805/QĐ-BCT ngày 23/02/2011 của Bộ Công thương.

Tháng 7/2019, Tập đoàn T&T đã có văn bản đề xuất Bộ Công thương quy hoạch dự án ở TDP Nhân Thắng và Thắng Lợi, thuộc phường Kỳ Phương, chuyển đổi công nghệ của dự án Vũng Áng 3 từ than sang khí tự nhiên tái hóa từ LNG.

Trước đó, tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Công ty Samsung C&T là chủ đầu tư dự án nhà máy điện Vũng Áng 3.1 sử dụng than nhập theo hình thức BOT. Đến tháng 7/2019, Samsung C&T có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thông báo về việc không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án.

Ngày 22/01/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án sang hình thức đầu tư IPP.

Đây là cơ sở để phía Tập đoàn T&T có đủ điều kiện để tiến hành thực hiện vị trí, ranh giới khu đất dự kiến quy hoạch, lập báo cáo thực hiện dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3.

 'Bầu Hiển' và PV Power 'bắt tay' làm dự án điện khí 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh - ảnh 2

"Bầu Hiển" phát triển dự án tổ hợp điện khí LNG ở Hà Tĩnh

Theo đề xuất của T&T Group, tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 được đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 123,8ha, chưa bao gồm 100ha diện tích mặt nước. Chủ đầu tư sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Vũng Áng 3 & trung tâm điện lực LNG Vũng Áng 3 có tổng công suất phát điện 3.000 MW.

Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), công nghệ áp dụng là tuabin khí chu trình hỗn hợp với số giờ vận hành tại công suất đặt là 6.000 giờ/năm. Dự án sẽ đấu nối lên cấp điện áp 500kV từ sân phân phối của nhà máy đến trạm 500kV Hà Tĩnh.

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 3,5 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2028 - 2029 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,123 cent/kWh.

Giai đoạn 2 sau năm 2030 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,85 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,629 cent/kWh.

Về liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án, Tập đoàn T&T cho biết đã đạt được thỏa thuận hợp tác với PV Power thực hiện đầu tư xây dựng dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3.

VietNamNet đưa tin, hiện, T&T triển khai dự án điện khí LNG Cái Mép Hạ trị giá 6 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu; dự án Trung tâm điện khí LNG tại Hải Lăng, Quảng Trị với trị giá 4,4 tỷ USD; nhà máy xử lý rác thải đốt rác phát điện sinh hoạt Xuân Sơn (Hà Nội) với công suất 1.000 tấn/ngày đêm...

Hồi đầu 2018, Bầu Hiển cũng đã chia sẻ về dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội có tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỷ euro cho dù tập đoàn của ông chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo đó, T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) 3 trong số các đoạn tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025. Cuối tháng 3/2018, T&T đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues của Pháp về hợp tác đầu tư dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội.

Theo kế hoạch, T&T đầu tư không sử dụng vốn vay ODA hay vốn ngân sách như tuyến Cát Linh - Hà Đông mà hoàn toàn vốn của tư nhân, trong đó chủ yếu là vốn của Bouygues - Pháp.

Cũng khoảng thời gian đầu 2018, Tập đoàn T&T cho biết sẽ bắt tay với ông lớn xây dựng Bouygues để xây mới sân vận động Hàng Đẫy với tổng giá trị 250 triệu Euro (tương đương khoảng 307 triệu USD), quy mô như sân bóng Ngoại hạng Anh. Đây cũng là đại bản doanh của Hà Nội FC.

Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng 2 dự án lớn bắt tay với Bouygues (Pháp) được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tú Lệ (T/h)

Xem thêm: Bà Ngô Minh Hiền “vung” trăm tỷ đồng gom mua 3,2 triệu cổ phiếu VIB