BCH Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018: Nhiều kết quả nổi bật
Xây dựng, kiện toàn bộ máy Hội vững mạnh
Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Hội xác định: Xây dựng Hội từng bước vững chắc là then chốt. Công tác phát triển hội viên là trọng tâm.
Sau Đại hội, Hội đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động như: Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực lãnh đạo Hội, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ban Kiểm tra; một số Ban chuyên môn của Hội; Văn phòng Trung ương Hội; Văn phòng đại diện Hội miền Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và miền Trung đặt tại Thành phố Đà Nẵng và 23 Chi hội.
Nhiệm kỳ 2013-2018, Đại hội của Hội đã bầu ra 45 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, 15 Uỷ viên Ban thường vụ là những doanh nhân tư nhân, chuyên gia quản lý có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh doanh, đào tạo, pháp luật, đối ngoại…
Ban Chấp hành Trung ương Hội tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội, lãnh đạo mọi hoạt động Hội giữa hai kỳ Đại hội, đã tiến hành 5 kỳ họp để thảo luận, quyết định chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Hội; Công tác tổ chức, nhân sự lãnh đạo cao cấp; Quy chế, quy định nội bộ; Công tác xây dựng bộ máy của Hội và phát triển hội viên; Thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân và cơ quan ngôn luận; Cầu nối với các cơ quan Nhà nước; Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ nhất; Chuẩn bị Đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 2018-2023 và công tác thi đua khen thưởng.
Thường trực lãnh đạo Hội đã tổ chức họp thường xuyên và bất thường theo Quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương Hội để kịp thời triển khai những quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Hội và Ban Thường vụ.
Hội ban hành các quy định, quy chế tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Hội đi vào nề nếp theo quy định tại Điều lệ Hội.
Ban điều hành Hội đã thực hiện công việc hàng ngày của Hội, theo quy định tại Điều lệ: Xây dựng quy chế nội bộ, định kỳ báo cáo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực lãnh đạo Hội các hoạt động của Hội; lập báo cáo hằng năm; quản lý tài liệu của Hội và bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.
Văn phòng Trung ương Hội từng bước được củng cố, giúp Ban lãnh đạo và Ban điều hành Hội tổ chức các hoạt động kịp thời, thông suốt. Thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ và hậu cần. Văn phòng đại diện Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã sáng tạo, chủ động tổ chức những hoạt động hỗ trợ hội viên, phát triển nhiều hội viên và thành lập các chi hội. Các Chi hội đã tổ chức tập hợp hội viên, giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết và giúp đỡ nhau.
Lãnh đạo Trung ương Hội đã xây dựng cơ quan ngôn luận của Hội trình cơ quan thẩm quyền cho phép thành lập và đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép thành lập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam thuộc Hội.
Hội đã thành lập được 10 tổ chức pháp nhân trực thuộc và đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Hội đã chủ động, tích cực vận động các doanh nhân có tâm, có tầm, thực hành quản trị doanh nghiệp tốt, tuân thủ pháp luật, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, thừa nhận Điều lệ Hiệp hội và tự nguyện gia nhập Hội.
Đến nay Hội đã có hàng nghìn hội viên là các doanh nhân tư nhân, thuộc những ngành kinh tế quan trọng, có quy mô lớn, vừa và nhỏ, ở các vùng kinh tế, nhất là những tỉnh, thành phố lớn có nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập và đang hoạt động.
Các hội viên và các tổ chức trực thuộc Hội đã có những đóng góp quý báu cho hoạt động của Hội. Hội không thể có được như ngày hôm nay nếu như không có sự tài trợ về tài chính của các tổ chức, hội viên của Hội.
Chú trọng hỗ trợ hội viên và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên
Hỗ trợ hội viên và doanh nhân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là một trong những hoạt động cốt lõi, thường xuyên và lâu dài của Hội với vai trò Hội là ngôi nhà chung của hội viên và doanh nhân.
Ngày 25/01/2018 Hội đã tổ chức Lễ phát động thi đua “Chương trình Doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước” nhân 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước và khai trương Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Tháng 4/2017, Hội đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bình chọn trao Giải thưởng Cống hiến cho doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu năm 2017. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Diễn đàn được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hơn 200 doanh nhân tư nhân và một số chuyên gia kinh tế trong cả nước đã tham dự Diễn đàn và đóng góp ý kiến làm sâu sắc thêm cả lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân.
Kết quả Diễn đàn được Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận; các cơ quan truyền thông như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Báo Công an nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết quan tâm đến hoạt động của kinh tế tư nhân nói chung và hoạt động của Hội nói riêng, qua đó vị thế của Hội đã được nâng lên đáng kể.
Tháng 5/2017, Hội tổ chức cho 130 đại biểu và doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu tham gia "Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017". Thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đang tạo thêm niềm tin và nỗ lực khởi nghiệp, phát triển cho doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Hội đã tổ chức thực hiện đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, quản trị, văn hoá kinh doanh cho các doanh nghiệp; Tập huấn được tổ chức hiệu quả ở một số địa phương với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với môi trường toàn cầu hoá. Hội đã chú trọng tập huấn cho hội viên về kỹ năng phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù.
Nhiều cuộc hội mà Hội phối hợp tổ chức đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn rõ hơn những thuận lợi và thách thức trong môi trường kinh doanh mới, định hướng tốt hơn chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình.
Cầu nối đội ngũ doanh nhân tư nhân với các cơ quan Nhà nước
Thông qua các hoạt động của mình, Hội từng bước tạo được sự tín nhiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước cho hoạt động của Hội, làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước.
Hội đã tích cực tham gia ý kiến với các cơ quan của Đảng và Nhà nước về xây dựng chính sách, thể chế như dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, …. Hội đã tham gia góp ý với các Bộ, ngành liên quan về những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp nói chung và doanh nhân tư nhân nói riêng.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, Quy chế phối hợp công tác với cơ quan quản lý Nhà nước như giữa Hội và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội chủ động thực hiện có kết quả vai trò làm cầu nối với Bộ và được Bộ quan tâm, giúp đỡ với tư cách Hội là đầu mối chính thức kết nối với các hoạt động của Bộ về những việc có liên quan đến tôn chỉ, mục đích của Hội.
Yếu kém trong hoạt động này của Hội là chưa tập hợp và phản ánh kịp thời về những quy định của pháp luật; về những bất cập trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ đang gây khó khăn, trở ngại cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại, tài chính, văn phòng Hội cũng có những thành tích đáng ghi nhận. Ngoài những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Hội khóa I (2013-2018) cũng còn một số hạn chế, yếu kém như hoạt động của Ban lãnh đạo và Ban điều hành còn chưa đều tay; Việc quảng bá, tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Hội còn hạn chế; Công tác phát triển hội viên cần phải tiếp tục được đơn giản hóa thủ tục; Văn phòng đại diện chưa được chủ động trong tổ chức hoạt động; Các tổ chức trực thuộc Hội có một số hoạt động, nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn; Việc tập hợp hội viên, thúc đẩy sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau về vốn, nhân lực, bí quyết kinh doanh, chuyển giao công nghệ, quản lý doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh còn yếu…