Bước sang năm 2022: ‘Những thay đổi đưa chúng ta vào một trạng thái rất hồi hộp’

19:00 | 20/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nền kinh tế Việt nam vừa vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ, trong bối cảnh này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam chia sẻ: “Những thay đổi đưa chúng ta vào một trạng thái rất hồi hộp” khi bước sang năm 2022.

Không chỉ hướng tới năm 2022 mà phải đặt nền móng tăng trưởng đến năm 2025

Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam: Vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã giành được nhiều dấu ấn tích cực trong năm 2021.

Đầu năm 2021, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao tốc độ tăng trưởng của Việt Nam và coi Việt Nam là ngôi sao sáng của khu vực Đông Nam Á, thậm chí là Đông Á về tốc độ tăng trưởng và khả năng kiềm chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, những quý tiếp theo chúng ta đã phải chứng kiến những thay đổi về dịch bệnh, từ đó kéo theo thay đổi về tốc độ tăng trưởng.

“Những thay đổi đó đưa chúng ta vào một trạng thái rất hồi hộp khi bước sang năm 2022. Kịch bản của năm 2022 sẽ như thế nào? Chúng ta có thể chờ đợi rất nhiều những cơ hội vào năm 2022 nhưng cùng với đó cũng là rất nhiều thách thức”, ông Bình chia sẻ.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam. Nguồn:CafeF

Nói về cơ hội, ông Bình cho biết, nhiều cơ hội cũng đã được hiện thực hóa trong thời gian qua, như việc đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế thể hiện qua con số 660 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm 2021.

Cùng với đó là khả năng thích ứng của doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn có thể đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ đáp ứng được thị trường.

Điều đó cho chúng ta nhìn thấy niềm hi vọng cho năm 2022 là nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Sự phục hồi của một số bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…cũng sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam.

Khả năng thích ứng, tinh thần doanh nhân của DN Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam cũng đã được khẳng định thông qua những thống kê về hoạt động của DN cả về số lượng lẫn số vốn.

“Chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi vào sự nỗ lực của DN góp phần cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời, có thể kỳ vọng vào sự phục hồi đã được chứng minh trong năm 2021 của dòng vốn đầu tư FDI.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam thông qua việc nhìn vào những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư. Đó là những niềm hi vọng, những cơ hội mà chúng ta có thể trông chờ trong năm 2022”, ông Bình  nhấn mạnh.

Đi kèm với thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, lạm phát tại một số nước tăng cao.

Những cách thức chúng ta thực hiện các gói kích thích mới, làm sao đúng liều lượng, hiệu quả, giám sát chặt chẽ nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, đặc biệt là lạm phát cũng đang là một thách thức mới.

Theo Giám đốc điều hành Economica Vietnam, năm 2022 là một năm rất quan trọng - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm mà chúng ta đã lỡ một cơ hội do dịch bệnh phát sinh. Trọng trách của năm 2021 đã dồn lên năm 2022.

Với vai trò như vậy, năm 2022 Việt Nam sẽ phải thực hiện rất nhiều các hoạt động về cải cách kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, đặt nền móng cho sự tăng trưởng của cả giai đoạn, thậm chí xa hơn nữa, chứ không chỉ là giải bài toán phát triển kinh tế của riêng năm 2022.

Bởi vậy, những quyết sách, những giải pháp về kinh tế, tài chính, tiền tệ,…không chỉ hướng tới tăng trưởng của 2022 mà phải hướng đến đặt nền móng tăng trưởng đến 2025, 2030 thậm chí xa hơn nữa.

Nghị quyết Quốc hội chỉ là nghị quyết, chỉ là giấy phép

Tìm giải pháp vượt qua khó khăn thách thức của nền kinh tế Việt Nam 2022, đặc biệt là tìm giải pháp thực thi hiệu quả gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, GS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng ở các nước, khi đại dịch COVID -19 xảy ra, Chính phủ thường có các gói hỗ trợ toàn dân, họ dùng tiền phát cho tất cả mọi người để đỡ khó khăn.

Việt Nam chúng ta lại khác, không dùng tiền để phát như các nước. Song, gói chính sách vừa được ban hành là một gói hỗ trợ toàn dân. Hầu hết người dân, phần lớn DN đều được hưởng các chính sách hỗ trợ này thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng – bất kỳ ai đi mua hàng hóa đều được hưởng; giảm lãi suất cũng vậy, độ lan tỏa rất lớn.

Bởi vậy, phải đưa chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống nhất, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi thì càng phải sớm. Nếu không sớm, qua một thời gian kinh tế suy giảm, DN phá sản thì không thể phát huy kịp thời. Càng sớm, càng kịp thời, càng hiệu quả.

Muốn chính sách đi vào cuộc sống nhanh cần thực thi theo nhiều bước. Việc giảm thuế giá trị gia tăng có thể áp dụng ngay, người dân đi mua hàng hóa có thể được hưởng ngay. Nhưng cũng có những cấu phần của chính sách cần được thông qua các thủ tục.

Bởi vậy, thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ. Tránh tình trạng chính sách hay nhưng lại đưa ra thủ tục để quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, tránh lợi dụng, nhiều quy định quy trình, không sai phạm nhưng lại không đến được với người được hưởng.

Đáng chú ý, theo ông Cường, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát rồi thì phải tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Không cẩn trọng sẽ dẫn đến tình trạng cùng thuộc đối tượng nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều nhưng có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nguồn: congluan.vn.

Ông Cường đưa ra ví dụ: Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất, đây là gói sẽ tác động rất rộng, rất mạnh đến DN vì Chính phủ chỉ bỏ ra 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất nhưng lại tác động đến 2 triệu tỷ đồng tiền vốn của DN.

DN nào sẽ được hưởng lãi suất thấp của 2 triệu tỷ đó? Nếu không cẩn thận, có thể 2 triệu tỷ đồng đó đó chỉ dồn vào 1 nhóm DN lớn nào đó – lại chưa chắc là đối tượng thực sự khó khăn. Trong khi, nhiều hộ kinh doanh gia đình, DN nhỏ và vừa là những đối tượng không phải cần quá nhiều nhưng nếu không có thì không thể phục hồi, phát triển được.

Phải có một phương thức hành động khác đi trong kiểm soát các chương trình hỗ trợ. Nếu ta chuyển việc kiểm soát bằng các điều kiện tín dụng sang hình thức ngân hàng phải đồng hành với DN, phải xem DN vay tiền để làm gì, mua hàng, mua nguyên vật liệu thì ta có thể trả tiền trực tiếp cho bên mua để DN nhận nguyên vật liệu về sản xuất, sau đó theo dõi quy trình sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm để thu ngay đồng tiền bán hàng quay trở lại.

Qua đó, ngân hàng sẽ quản lý cho vay thông qua quản lý dòng tiền thay bằng tài sản hay thế chấp. Các DN, các hộ thực sự có hoạt động phát triển, phục hồi thì sẽ được hưởng chính sách. Còn các đối tượng dùng tiền đó để quay vòng, gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản thì sẽ kiểm soát được ngay.

“Chúng ta phải thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách. Tôi nhấn mạnh một điều rằng Nghị quyết Quốc hội chỉ là nghị quyết, chỉ là giấy phép. Còn nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động.

Tôi rất trông đợi điều này từ Chính phủ giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực để triển khai cụ thể, để sau này chúng ta kiểm tra đánh giá lại không chỉ dừng ở việc các cơ quan triển khai chính sách không có sai phạm mà đánh giá được hiệu quả của chính sách, giải ngân được bao nhiêu, vào được bao nhiêu DN, bao nhiêu đối tượng”, ông Cường nhấn mạnh.