BÀI 1: TRIỂN VỌNG LỢI NHUẬN QUÝ II CỦA NHÓM NGÂN HÀNG VÀ BẤT ĐỘNG SẢN - HAI NHÓM VỐN HÓA LỚN TRÊN TTCK

 

Trong báo cáo triển vọng lợi nhuận quý II mới đây, Chứng khoán MB (MBS) nhận định ngành ngân hàng có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý này giảm nhẹ, chỉ đạt 12% svck (quý I tăng trưởng 14% svck). 

Cụ thể, MBS dự báo rằng trong quý II, việc lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng thời gian qua trong khi lãi suất cho vay dự báo giảm thêm sẽ tạo áp lực lên biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng quý II dự báo sẽ khả quan hơn so với quý I (MBS ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến 20/6/2024 đạt 4,17% so với mức 0,26% vào cuối quý I qua) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh.

 Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Thu nhập ngoài lãi dự báo vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý này. NPL tăng và LLR giảm là xu hướng chung toàn ngành. 

Nhìn chung, MBS nhận định lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng trong quý II này sẽ có mức tăng trưởng không cao. Mức tăng nổi bật có thể xuất hiện ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPB, VPB, HDB; trong khi một số ngân hàng dự báo ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái như STB, BID.

Bảng: MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng trong quý II và cả năm 2024

Ảnh: MBS

Tương tự nhận định của MBS, Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong một báo cáo ngành ngân hàng gần đây cũng cho rằng xu hướng NIM tăng nhờ chi phí vốn thấp đã đến thời điểm kết thúc và chi phí huy động vốn sẽ tăng khi mà các ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động cũng như khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành để hỗ trợ VNĐ.

Cụ thể, Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc từ quý II trở đi nhờ sự phục hồi kinh tế. Để chuẩn bị cho cầu tín dụng cao hơn trong thời gian tới, trong các tháng của quý II, các ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi để thu hút thêm vốn. Với việc lãi suất tăng, các ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi thấp hoặc âm trong quý I qua có thể phải huy động tiền gửi với chi phí cao hơn trong thời gian tới, và sẽ tác động tiêu cực đến NIM của toàn ngành, đặc biệt là đối với các ngân hàng có lượng tiền gửi CASA thấp. 

Ở góc nhìn lạc quan hơn, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng NIM quý II vẫn có thể tăng nhẹ do chi phí huy động vẫn đang giảm nhanh hơn so với lãi suất cho vay, vốn có độ trễ tái định giá.

Ảnh: VDSC

Cụ thể, VDSC cho rằng vùng đáy của NIM đã được xác lập trong quý III/2023, do chi phí vốn dự kiến sẽ giảm mạnh sau khi lượng lớn tiền gửi kỳ hạn có lãi suất cao đã đáo hạn và tái tục với mức lãi suất thấp hơn hoặc chảy vào vào các kênh đầu tư khác và hỗ trợ tỷ lệ CASA. 

Tăng trưởng tín dụng phục hồi cùng với NIM mở rộng nhẹ, sẽ thúc đẩy tăng trưởng lãi thuần – yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính cho thu nhập hoạt động trong quý II cũng như cả năm nay. Theo đó, VDSC dự báo tăng trưởng thu nhập lãi với các ngân hàng trong danh mục theo dõi khoảng 19% cho cả năm nay, trong khi tổng thu nhập ngoài lãi dự báo gần như đi ngang svck, đưa tổng thu nhập hoạt động dự phóng tăng trưởng 15% svck.

Chung quan điểm với VDSC, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tác động của việc tăng lãi suất lên NIM có thể có độ trễ và chưa phản ánh ngay vào NIM quý II.

Ảnh: VCBS

Lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên theo VCBS, mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất huy động trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 (5,05%). Nhóm phân tích cũng cho rằng tác động của việc tăng lãi suất lên NIM của hệ thống ngân hàng sẽ có độ trễ từ 3-6 tháng, áp lực có thể sẽ rõ ràng hơn từ quý IV/2024.

Ảnh: VCBS

Triển vọng NIM cũng có sự phân hóa với tiềm năng mở rộng NIM thuộc về những ngân hàng có lợi thế trong hoạt động huy động vốn (tỷ trọng CASA cao, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá, vay hợp vốn nước ngoài ….); có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng hay có khả năng đẩy mạnh tỷ trọng cho vay bán lẻ.

 

Doanh nghiệp BĐS dân cư: Lợi nhuận quý II dự báo đi ngang 

Theo MBS, kết quả kinh doanh của nhóm BĐS dân cư dự kiến chưa thể đột phá trong quý II do thiếu dự án để bàn giao và tình trạng pháp lý của các dự án vẫn chưa thay đổi nhiều trước thời điểm ban hành các luật liên quan (dự kiến ngày 1/8/2024). Dù vậy, các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận các doanh nghiệp BĐS trong quý II này. 

MBS dự báo lợi nhuận ròng toàn ngành nhiều khả năng đi ngang, chủ yếu nhờ VHM khi doanh nghiệp có dự án đang bàn giao, có tình trạng pháp lý rõ ràng đi kèm với sự phát triển của các cơ sở hạ tầng xung quanh. Một số doanh nghiệp khác có thể chứng kiến mức giảm so với cùng kỳ từ 50-70% như KDH, DXG do doanh thu bàn giao dự án sụt giảm khi so với mức nền cao của quý II/2023. 

Bảng: MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 4 doanh nghiệp BĐS dân cư trong quý II và cả năm 2024

 Ảnh: MBS

Không dự báo riêng về quý II, nhưng chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng phải sang đến nửa cuối 2024, hoạt động mở bán các dự án mới dần được cải thiện khi quá trình chuẩn bị (ví dụ: trả phí sử dụng đất, san lấp mặt bằng) được đẩy nhanh tiến độ. Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sớm hơn cũng sẽ phần nào tạo ra ảnh hưởng tích cực đến thị trường.

Trước đó, trong quý I/2024, các nhà phát triển BĐS đã trải qua một quý có lợi nhuận ảm đạm nhất trong vòng 5 năm qua. Đối với các doanh nghiệp mà Yuanta Việt Nam theo dõi (top 20 công ty BĐS niêm yết), LNST quý I/2024 giảm mạnh xuống còn 1.000 tỷ đồng, đánh dấu mức giảm -78% so với quý liền trước và -92% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2% so với mục tiêu toàn ngành năm 2024. Tỷ suất sinh lời 12 tháng của toàn ngành giảm -0,3 điểm phần trăm. 

Yuanta Việt Nam đánh giá đây rõ ràng đây không phải là dấu hiệu cho sự phục hồi của thị trường BĐS. Mặc dù giá giao dịch trên thị trường sơ cấp được giữ ở mức ổn định, doanh thu trong quý I/2024 chủ yếu đến từ việc bán các căn hộ cao tầng, dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm -1 điểm phần trăm. Nguồn cung hạn chế vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến số lượng mở bán các dự án mới. 

Nhìn chung, theo Yuanta Việt Nam, mặc dù mùa đông tồi tệ nhất của thị trường BĐS đã qua đi, nhưng chu kỳ tăng sẽ là câu chuyện của nửa sau 2025. 

BĐS Khu công nghiệp: Tăng trưởng lợi nhuận quý II dự báo âm 

Nhóm BĐS KCN được MBS dự báo có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế -26% svck do mức nền cao của quý II/2023.

 Bảng: MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 5 doanh nghiệp BĐS KCN trong quý II và cả năm 2024 

Ảnh: MBS

MBS nhận định KQKD quý II của đa phần các doanh nghiệp BĐS KCN năm nay có thể ghi nhận sự suy giảm do cùng kỳ năm ngoái các công ty ghi nhận lợi nhuận cao (SZC, KBC, IDC, PHR). Ngược lại, lợi nhuận của BCM có triển vọng tăng mạnh do mức nền thấp của quý II năm ngoái.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn FDI thực hiện tăng 7,8% svck cho thấy nhu cầu đất KCN đang tăng trưởng tốt. Nguồn cung đất ở khu vực miền Nam đang cho thấy những dấu hiệu tích cực hơn từ việc chuyển đổi đất cao su nhờ các vấn đề về pháp lý được giải quyết khi luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. 

Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Không nhận định riêng KQKD quý II nhưng trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agriseco cho rằng hoạt động kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp BĐS KCN dự báo tiếp tục tăng trưởng nhưng sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn. Triển vọng khởi sắc ở nhóm các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và đã ký hợp đồng ghi nhớ từ trước hoặc có quỹ đất tại các tỉnh thành cấp 2.

Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Thực hiện: Diên Vỹ