Các DN cam kết 'rót' tổng vốn 85.000 tỷ đồng cho Cần Thơ
Phát biểu tại Hội nghị, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch nhấn mạnh Cần Thơ hội đủ yếu tố trở thành điểm đến du lịch của cả vùng. Trong đó, dịch vụ du lịch, lĩnh vực được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư.
Dẫn lại câu ca: “Cần Thơ gạo trắng nước trong, Ai đi đến đó lòng không muốn về”, lãnh đạo Tập đoàn FLC bày tỏ, với tiềm năng như vậy nhưng số lượng khách lưu trú tại Cần Thơ còn hạn chế, thời gian lưu trú trung bình của du khách từ 1-2 ngày, mức chi tiêu trung bình khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước. Một nguyên nhân là Cần Thơ đang thiếu sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch. Do đó, đại diện doanh nghiệp này cho biết, đang nghiên cứu đầu tư dự án dịch vụ du lịch tại Cần Thơ với tổng quy mô 1.600 ha.
Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Cần Thơ có thể trở thành trung tâm dịch vụ logistic của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đòi hỏi thu hút nhiều vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng của Cần Thơ trong phát triển nông nghiệp, giáo dục đào tạo, bày tỏ dự định đầu tư vào lĩnh vực này.
Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa lãnh đạo UBND Thành phố Cần Thơ và 19 nhà đầu tư với tổng số vốn gần 85.000 tỷ đồng. UBND Thành phố cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 8.000 tỷ đồng.
Hoan nghênh, đánh giá cao kết quả trên của Hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều này thể hiện sự tin tưởng rất lớn vào tương lai của Cần Thơ.
Nếu không có sự hiện diện của nhà đầu tư thì Cần Thơ đã không có được những thành quả như hôm nay và nếu không cùng những nhà đầu tư hôm nay thì cũng không thể đạt được tầm nhìn những thập niên tới, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, tầm nhìn đó là một Cần Thơ giàu bản sắc, có khả năng truyền cảm hứng về sức bật và sự vươn lên mạnh mẽ, làm động lực phát triển toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhìn nhận, Cần Thơ sẽ phát triển đột phá nhờ cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ và một số hệ thống giao thông huyết mạch khác. Khi hoàn thành, thời gian đi lại từ TPHCM tới Cần Thơ sẽ được rút ngắn lại còn 90 phút từ 180 phút hiện nay. Những dự án này, cùng với các dự án đường biển khác, Cần Thơ tạo nên một trung tâm trên các mặt thông qua giao thông, trong đó có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Đặc biệt, nhấn mạnh chủ trương mở cửa bầu trời, Thủ tướng nêu rõ vai trò quan trọng của cảng hàng không này Cần Thơ và mong muốn nối các chuyến bay trực tiếp từ Cần Thơ tới các nước, các vùng của Việt Nam thông qua các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways…
Như vậy, với giao lưu đường không, đường thủy, cùng với các sản phẩm ở đây, trong tương lai, Cần Thơ sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, náo nhiệt, như một trung tâm trên các mặt thông qua giao thông.
Cần nhiều chính sách ưu đãi để Cần Thơ bứt phá
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn FLC nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đều mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để có thêm động lực cho Cần Thơ bứt phá mạnh mẽ.
Thành phố Cần Thơ cần tiếp tục tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quản lý tốt hơn các quy hoạch. Theo đó, quy hoạch của Cần Thơ đến năm 2025 là trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý nhà đầu tư phải nói đi đôi với làm: “Chính phủ trân trọng các nhà đầu tư chuẩn mực nhưng cũng kiên quyết loại bỏ những nhà đầu tư trục lợi, lợi dụng lỗ hổng trong quản lý, không tập trung vào phát triển mà trốn thuế, chuyển giá, phá hoại môi trường”.