Các thế hệ trong DN gia đình phải thay đổi tư duy khi chuyển giao kế nghiệp

15:46 | 25/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong sự thay đổi tư duy đó, không chỉ tạo lập giá trị bền vững của gia đình mà còn xây dựng văn hoá ghi nhận những người xung quanh, theo bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Các thế hệ trong DN gia đình phải thay đổi tư duy khi chuyển giao kế nghiệp - ảnh 1
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019. Ảnh: Minh Hoa/DNVN.
Câu chuyện chuyển giao kế nghiệp trong doanh nghiệp gia đình của bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát một lần nữa lại thu hút khán phòng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”, sáng 25/6.

Đại diện cho thế hệ F2 trong doanh nghiệp gia đình, bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh: Tất cả các thế hệ phải thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình phải cởi mở hơn khi cùng tham gia điều hành tổ chức. Mục tiêu của tổ chức doanh nghiệp cần được ưu tiên trên hết.

Học cách yêu thương

Theo bà Uyên Phương, truyền thống thương yêu nhau trong gia đình rất quan trọng bởi bản thân các thành viên trong gia đình mà không thể giao tiếp thì sẽ rất khó khăn với các thành viên khác trong doanh nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát đưa ra một ví dụ về việc coi trọng giá trị gia đình của Tập đoàn thông qua phong trào “Người Tân Hiệp Phát yêu”. Phong trào này vừa được phát động nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát và 40 năm kết hôn của 2 nhà sáng lập của Tập đoàn là ông Trần Quý Thanh và bà Phạm Thị Nụ.

Để tiên phong cho phong trào này, ông Trần Quý Thanh, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đã gửi tặng vợ mình một bài thơ nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày cưới.

Các thế hệ trong DN gia đình phải thay đổi tư duy khi chuyển giao kế nghiệp - ảnh 2
Chia sẻ này của bà Uyên Phương một lần nữa nhấn mạnh một điều không mới nhưng không dễ thực hiện trong một doanh nghiệp gia đình: Việc học cách tôn trọng và gần gũi nhau là điều vô cùng quan trọng. Quá trình thường xuyên trao đổi cũng là cách để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn khi cùng nhau lãnh đạo doanh nghiệp.

Xây dựng văn hoá ghi nhận những người xung quanh

Bà Uyên Phương cho biết: Tại Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp bao gồm ba nhóm thành viên (những người điều hành quản trị, các thành viên trong gia đình có cổ phần và các thành viên gia đình khác). Bởi vậy, Tập đoàn rất coi trọng sự tách bạch vai trò trong tổ chức vận hành doanh nghiệp.

“Quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra tới 2-3 vai trò là Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc và vai trò người điều hành quản trị hằng ngày. Nếu tách bạch 3 vai trò đó sẽ hình thành tổ chức vận hành đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT”, bà Uyên Phương chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát có cả Ban cố vấn với các chuyên gia. Ban cố vấn chỉ làm việc duy nhất là chất vấn Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch phải giải thích cho những người không tham gia vào quá trình điều hành về những quyết sách, hoạt động của doanh nghiệp, đây là sự cởi mở của người sáng lập Tân Hiệp Phát.

Trong quá trình chuyển giao kế nghiệp, Tân Hiệp Phát quan niệm thế hệ đi trước cần sẵn sàng tiếp thu những cái mới, lắng nghe quan điểm của thế hệ đi sau khi những quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.

Nét đặc sắc mà Tập đoàn này đã xây dựng được trong quá trình chuyển giao kế nghiệp là xây dựng được văn hoá ghi nhận những người xung quanh. Đây là một nét văn hoá chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

"Đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực đồng thời đưa cả những nhân sự từ bên ngoài vào, phát triển doanh nghiệp bền vững”, bà Uyên Phương nói.