Cải thiện môi trường kinh doanh cần đi vào thực chất
(DNVN) - Trong 5 năm qua Nghị quyết 19 (nay là Nghị quyết 02) về cải thiện môi trường kinh doanh đã đi vào cuộc sống và được doanh nghiệp (DN), xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Để nhìn nhận rõ hơn hiệu quả của Nghị quyết 19 đối với doanh nghiệp trong thực tiễn và những đổi mới của Nghị định 02, phóng viên Tạp chí Doanh nhân Việt đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết 02 này và nó có những điểm khác biệt nào so với Nghị quyết 19?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Nghị quyết 02 trước đây là Nghị quyết số 19 chủ yếu tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Điểm mới đầu tiên là Nghị quyết 02 được ban hành cùng thời điểm với Nghị quyết 01, chứng tỏ Chính phủ ngày càng coi trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ hai, Nghị quyết không đề ra những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp cụ thể để giao cho từng bộ như mọi năm mà xác định từng chỉ số, chỉ tiêu cụ thể và mục tiêu của từng chỉ số đó. Đồng thời, Nghị quyết giao cho các Bộ trưởng chịu trách nhiệm thực hiện từng mục tiêu. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện các mục tiêu do Bộ trưởng quyết định. Do đó trách nhiệm của Bộ trưởng ngày càng được đề cao và người đứng đầu các bộ ngành phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đạt được mục tiêu đề ra.
Tiếp theo Chính phủ xác định 4 lĩnh vực chủ đạo để tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2019 vì trên thực tế các DN vẫn gặp những vướng mắc, rào cản trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh. Dù những cải cách trong thời gian qua rất quyết liệt nhưng DN phản ánh phần nào đó vẫn chưa thực chất cũng như mang lại lợi ích cho DN như các báo cáo hành chính đã đưa ra. Bên cạnh đó, Nghị quyết 02 ngoài việc tiếp tục xác định cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Chính phủ xác định rõ hai lĩnh vực mới sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2019: Thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) và dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Hiện nay hai chỉ số là phá sản DN và giải quyết tranh chấp hợp đồng vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả. Cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả thực tiễn cho hai chỉ số trên thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Trong 5 năm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có 6 chỉ số thăng hạng và 4 chỉ số tụt hạng, trong đó có 2 chỉ số rất quan trọng là phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đây là những chỉ số căn bản của môi trường kinh doanh nói riêng và hệ số để chỉ kinh tế thị trường nói chung. Đáng tiếc hai chỉ số quan trọng này không chỉ bị tụt hạng mà còn đang ở vị trí rất thấp trên bảng xếp hạng. Việc hai chỉ số này ở vị trí thấp chính là rào cản trong việc phát triển thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Mặc khác khi chỉ số phá sản DN thấp sẽ làm môi trường kinh doanh trở nên bí bách và có những dấu hiệu méo mó. Bởi những DN đáng lẽ "phải chết thì không chết được" nên nhiều tài sản của DN vẫn giữ ở mức không hoạt động hay hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, những tài sản này cần được chuyển tới dự án, con người quản lý tốt hơn để chuyển thành những tài sản sản xuất giải phóng được tiềm lực, tiềm năng của nền kinh tế.
Thứ hai là chỉ số về giải quyết tranh chấp hợp đồng nếu được giải quyết công bằng, nhanh chóng DN có thể chấp nhận rủi ro hơn để mở rộng kinh doanh, thiết lập giao dịch với các đối tác có thể chưa quen biết. Từ đó thúc đẩy một nền kinh tế năng động hơn, nhiều cơ hội thành công về lợi nhuận, quy mô của DN sẽ được mở rộng. Bên cạnh đó, nếu giải quyết tranh chấp nhanh chóng thì những tài sản gắn với đó cũng được xử lý, DN sẽ thoát khỏi tranh chấp và chuyển sang các thương vụ mới.
Tuy nhiên 5 năm vừa qua các chỉ số này tụt hạng do chúng ta chưa có cải cách nào cả. Mặt khác hai chỉ số này phụ thuộc vào ngành tòa án. Do vậy năm 2019, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với ngành tòa án và các bên có liên quan để phối hợp và cải thiện hai chỉ số này. Hy vọng với sự vào cuộc của Bộ Tư pháp thì ngành tòa án sẽ có sự phối hợp tích cực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những hạn chế lớn sau 5 năm thực hiện nghị quyết số 19 là cải cách vẫn chưa đi vào thực chất. Vậy trong nghị quyết 02 sẽ được thay đổi như thế nào thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Mức độ thực chất ở đây nghĩa là có sự khác biệt giữa các báo cáo hành chính của các cơ quan nhà nước với Chính phủ và các tác động thực tế đối với các doanh nghiệp. Hiện sự khác biệt là khoảng cách tương đối lớn. Đơn cử như nhiều thay đổi chỉ là bỏ một số từ ngữ làm cho nó ngắn gọn hơn chứ không phải là thay đổi các điều kiện kinh doanh cụ thể hoặc chỉ bãi bỏ những điều kiện mà trên thực tế không có ý nghĩa đối với các DN. Do đó, các điều kiện không cần thiết thì nên bãi bỏ nhưng cần tính đến việc tác động tới DN. Những văn bản, quy định cho DN cần phải rõ ràng, cụ thể, hợp lý tạo thuận lợi cho DN.
Bên cạnh đó, những áp lực hành chính của Thủ tướng Chính phủ liên tục trong thời gian qua là một giải pháp cần thiết. Nhưng cũng cần nêu cao trách nhiệm của chủ tịch thành phố hoặc chủ tịch huyện bởi việc triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần đi từ cấp cơ sở. Lãnh đạo cấp cơ sở rất dễ tạo ra hàng rào về mặt kỹ thuật để gây khó dễ, với mục đích tư lợi. Do đó cần giám sát trách nhiệm của chủ tịch thành phố hoặc chủ tịch huyện thông qua thông tin từ DN, từ báo chí.
Mặt khác khi một công chức bị phản ánh có dấu hiệu, hiện tượng cố tình gây xách nhiễu, phiền hà cho DN thì cần phải điều tra, kiểm điểm và thay thế để chuyển cho người khác làm. Đồng thời, cơ quan truyền thông báo chí cần vào cuộc nhiều hơn, theo sát hơn với DN.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!