(DNVN) - Đó là phần lớn ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 vào sáng 27/5.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị hiện còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí, làm nát quy hoạch ban đầu.
Để dẫn chứng, ông Vượt cho biết, hiện nay tỉ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, lại tự tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khá phổ biến, gây ra hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực cho các quy hoạch khác. Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần.
“Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh, đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất”, ông Vượt cho biết.
Theo ông Vượt, đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước... ngày càng tăng.
“Đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lý trong quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên”, ông Vượt bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến một vấn đề khác liên quan đến thị trường bất động sản thời gian qua, đại biểu tỉnh Gia Lai cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thực trạng, nguyên nhân, dự báo, cảnh báo và những cơn sốt đất kinh ngạc từ cuối năm 2018 và nhất là trong năm nay. Giá đất tăng vù vù, lan cả sang các địa phương trong cả nước vượt tầm kiểm soát dường như thả nổi. Nguyên nhân là gì?
Dòng tiền lớn chảy vào có từ đâu trong khi ngân hàng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nó có tác động đến lạm phát hay không? Vì giá trị đất đai cũng chính là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, rồi đây lại có gây ra nợ xấu không, có làm bong bóng bất động sản không?
“Giá đất tăng như hiện nay, các địa phương cũng cực kỳ khó khăn trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng, các dự án. Đây cũng là một trong các nguyên nhân người dân có đất bị thu hồi không hợp tác, bị kích động, thành những điểm nóng khi bị thu hồi, cưỡng chế”, ông Vượt nói.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông), quy hoạch sử dụng đất hiện nay mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất theo nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương, chưa có nội dung phân vùng không gian sử dụng đất. Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có nhiều khoảng trống pháp lý.
Quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch ban đầu.
"Đúng là trong quá trình triển khai quy hoạch vẫn cần điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi hoặc theo tư duy chủ quan, hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tuy có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư nhưng việc điều chỉnh trong nhiều trường chưa tương xứng dẫn đến thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội", đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ.
Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một hệ thống thiết chế, đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch nói chung, điều chỉnh quy hoạch nói riêng.
Do đó, đại biểu đề nghị Quy hoạch sử dụng đất được lập phải là kịch bản sử dụng đất cho tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường.
Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường sử dụng nguồn lực về đất đai trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất như lấy ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.