CEO Goldman Sachs: Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm 2024
Lãi suất không đổi?
Tại sự kiện tổ chức ở Đại học Boston, CEO David Solomon của Goldman Sachs phát biểu: “Tôi chưa thấy dữ liệu nào đủ để thuyết phục Fed cắt giảm lãi suất”. Dự báo hiện tại của ông là Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần còn lại của năm 2024.
Vị CEO còn lưu ý rằng các khoản đầu tư vào hạ tầng trí tuệ nhân tạo đang giúp nền kinh tế chống chịu chiến dịch thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã cảm nhận được tác động của lạm phát. Ông viện dẫn các báo cáo gần đây của McDonald’s và AutoZone, nhấn mạnh đây là bằng chứng cho thấy người tiêu dùng đang bắt đầu hạn chế chi tiêu.
Ông cho biết: “Nếu các bạn nói chuyện với CEO điều hành những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung tâm của nền kinh tế Mỹ, họ sẽ tiết lộ rằng hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi. Lạm phát trong thời gian dài khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Người tiêu dùng thông thường cảm nhận được điều này”.
Theo CEO của Goldman Sachs, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng khiến nền kinh tế dễ sa sút hơn hẳn so với 6 tháng trước. Ông nói thêm rằng bất ổn địa chính trị sẽ đè nặng lên triển vọng kinh tế trong thời gian dài.
Hồi đầu tháng này, ông Solomon nhận định nền kinh tế Mỹ “đang tăng trưởng khá tốt” dù ông cảnh báo từ tháng 3 rằng nhiều khả năng lạm phát sẽ dai dẳng hơn dự đoán của thị trường.
Nhiều quan điểm
Trái với vị CEO, đội ngũ các nhà kinh tế của Goldman Sachs hồi tháng 4 kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm 2024, bắt đầu vào tháng 7 và tiếp tục vào tháng 11.
Trước đó, Goldman Sachs đã phải vài lần điều chỉnh dự báo. Điều này phản ánh thực trạng chung là các nhà phân tích cũng gặp khó khăn trong việc dự đoán lộ trình lãi suất của Fed.
Ông John Waldron, Giám đốc cấp cao của Goldman Sachs, cho biết trong nội bộ ngân hàng cũng có nhiều quan điểm trái chiều về tốc độ của các đợt cắt giảm lãi suất. Tại hội thảo của Investment Company Institute hôm 22/5, ông Waldron nói Goldman Sachs không có dự báo thống nhất chính thức về lãi suất.
CEO Solomon đánh giá các ngân hàng trung ương châu Âu có nhiều cơ hội giảm lãi suất trong năm nay hơn Fed. Lý do là nền kinh tế khu vực này đang trì trệ và có các “vấn đề nhân khẩu học mang tính cấu trúc”.
Về Trung Quốc, ông bình luận nền kinh tế thứ hai thế giới “chắn chắn là đang gặp khó khăn”.
Sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến vào tuần trước, đa số các nhà đầu tư đều khấp khởi hy vọng rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng 9. Song, một số nhà phân tích không lạc quan như vậy, tờ CNBC cho hay.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 5 của Fed cho thấy “nhiều” quan chức sẵn sàng tăng lãi suất nếu cần thiết. Các quan chức cũng lo ngại rằng có thể các điều kiện tài chính chưa được thắt chặt đủ để ngăn lạm phát bùng lên lần nữa, theo tờ CNN.
Ông Chris Larkin, Giám đốc giao dịch và đầu tư của E*TRADE, bình luận: “Các nhà đầu tư sẽ phải chờ xem chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) vào tuần sau để có thêm thông tin về lạm phát và cập nhật kỳ vọng về các đợt giảm lãi suất".