Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ
Ảnh hưởng của những cơn bão số 6, số 7,... đã gây ra hàng loạt trận sụt lở, lũ lụt khiến người dân miền Trung rơi vào cảnh lầm than, chịu thiệt hại nặng nề cả về người và tiền của.
Vài tháng trở lại đây, khu vực miền Trung liên tục chịu tác động của nhiều hình thế thời tiết cực đoan - đây là nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lụt dồn dập. Lũ lụt từ trận mưa trước chưa kịp giảm hết đã bị trận sau kéo đến dẫn đến ngập sau diện rộng, khiến người dân miền Trung chịu thiệt hại nặng nề về cả người và của. Trước tình hình này, nhiều người thắc mắc liệu người dân bị thiệt hại do mưa lũ sẽ được Nhà nước hỗ trợ ra sao.
Theo Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP HCM), căn cứ vào điều 1 và điều 5 Nghị định 02/2017, Nhà nước sẽ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí để khôi phục sản xuất nông nghiệp thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai như mưa bão, lũ lụt, lũ quét.
Hỗ trợ cây trồng
Với diện tích lúa thuần thiệt hại từ 30 - 70%, người đân dược hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; trên 70% thiệt hại, người dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ người dân 10 triệu đồng/ha; thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.
Diện tích lúa lai thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 70% trở lên, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.
Diện tích mạ lúa bị thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; trên 70% hỗ trợ 30 triệu đồng/ha.
Diện tích ngô và rau màu hỗ trợ 1 triệu đồng/ha với thiệt hại từ 30-70%; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha nếu thiệt hại trên 70%.
Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm thiệt hại từ 30-70% thì người nông dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; nếu thiệt hại trên 70% hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.
Hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp
Đối với đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại, nếu diện tích cây rừng, cây lâm sản không phải gỗ trồng thiệt hại từ 30%-70%, người dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; trên 70%, người dân được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.
Diện tích cây trồng trong giai đoạn vườn ươm thiệt hại từ 30-70%, Nhà nước sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/ha. Đối với diện tích cây giống bị thiệt hại trên 70%, người dân được hỗ trợ 40 triệu đồng/ha.
Nuôi trồng thủy, hải sản
Trong trường hợp diện tích nuôi tôm quảng canh (như nuôi tôm lúa, tôm sinh thái,...) thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/ha; thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4,1-6 triệu đồng/ha.
Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại từ 30%-70%, người dân được hỗ trợ từ 3-7 triệu đồng/ha; trên 70% diện tích chăn nuôi bị thiệt hại, hỗ trợ từ 7,1-10 triệu đồng/ha;
Trong trường hợp diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/ha cho người dân; bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 6,1-8 triệu đồng/ha.
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh của người dân thiệt hại từ 30%-70%, Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha; nếu thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20,5-30 triệu đồng/ha.
Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ người nông dân từ 20-40 triệu đồng/ha; diện tích thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40,5-60 triệu đồng/ha.
Thiệt hại từ 30%-70% diện tích nuôi cá tra thâm canh, Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 10-20 triệu đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20,5-30 triệu đồng/ha;
Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại do thiên tai từ 30%-70%, hỗ trợ từ 3-7 triệu đồng/100 m3 lồng; trên 70%, hỗ trợ từ 7,1-10 triệu đồng/100 m3 lồng.
Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh thiệt hại do thiên tai từ 30%-70%, người dân nhận hỗ trợ từ 10-20 triệu đồng/ha; đối với thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20,5-30 triệu đồng/ha.
Diện tích nuôi cá nước lạnh (như tầm, hồi) thâm canh thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ từ 15-35 triệu đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%, Nhà nước hỗ trợ từ 35,5-50 triệu đồng/ha.
Khi xảy ra trường hợp lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ 10-15 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại trên 70%, hỗ trợ người dân 15,5-20 triệu đồng/100 m3 lồng.
Với nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác, nếu diện tích bị thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/ha; trên 70%, hỗ trợ từ 4,1-6 triệu đồng/ha.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm
Đối với những loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000-20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, người dân nhận hỗ trợ 21.000-35.000 đồng/con.
Đối với hộ chăn nuôi lợn, lợn đến 28 ngày tuổi được hỗ trợ 300.000-400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 đồng tới 1 triệu đồng/con; với lợn nái và lợn đực đang khai thác, người dân nhận tiền hỗ trợ là 2 triệu đồng/con.
Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1-3 triệu đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, Nhà nước hỗ trợ 3,1-10 triệu đồng/con.
Các loại gia súc như trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 đến 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2,1-6 triệu đồng/con.
Đối với các loại gia súc khác như hươu, nai, cừu, dê, Nhà nước hỗ trợ 1-2,5 triệu đồng/con.
Trong trường hợp nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản khác
Trong trường hợp các hộ dân chăn nuôi, nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định ở trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Sản xuất muối
Đối với hoạt động sản xuất muối, nếu diện tích bị thiệt hại từ 30%-70%, Nhà nước sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha.
Cần lưu ý, trong trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ sẽ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
Linh Chi (t/h)