Chuyên gia cảnh báo: Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

09:07 | 20/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” diễn ra tại Hà Nội sáng 19/6, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ đưa ra khó có thể trở thành hiện thực.

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra khó có thể trở thành hiện thực.

“Tôi cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó thực hiện được. Bởi lẽ tình hình trong những năm qua cả về môi trường đầu tư kinh doanh lẫn cải cách cởi trói cho doanh nghiệp dù chúng ta nói rất nhiều nhưng trên thực tế vẫn không có sự chuyển biến đáng kể”, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết.

Ông Thành nói thêm, thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều nữa, nhất là trong 6 tháng từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đây cũng là vấn đề chúng ta cần lưu tâm.

Chuyên gia cảnh báo: Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 - ảnh 1
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2018

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Võ Trí Thành, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dù Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, song quá trình "cởi trói" cho doanh nghiệp, cụ thể là xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con ở các bộ vẫn còn rất chậm, điều này dẫn tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 là khó khả thi.

Chuyên gia cảnh báo: Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 - ảnh 2
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. (Ảnh: DNVN/ My Anh)
“Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có Bộ Công Thương là hoàn thành việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, còn các bộ khác vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều, có bộ làm có bộ thì chưa. Khi xóa bỏ các điều kiện kinh doanh thì còn liên quan đến cả việc sửa luật, mà hiện nay thách thức lớn nhất chính là thời gian, nên tôi cho rằng rất khó thực hiện”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết, muốn tạo đà cho doanh nghiệp phát triển không có cách nào khác là đẩy mạnh cải cách. “Ở các nước trên thế giới thì có 2 loại cải cách: Một là từ dưới lên, tức là do nhu cầu thúc bách từ thực tiễn; hai là cải cách từ trên xuống, tức là tạo ra sức ép từ nội các, từ người đứng đầu Chính phủ”, ông Hiếu nói.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Trần Thị Hồng Minh cho biết, để đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra thì cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. “Thực tế cho thấy, trong 3 năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, có những chỉ đạo cởi trói doanh nghiệp, song môi trường kinh doanh cần phải cải thiện nhiều hơn nữa thì mới đáp ứng được thực tế phát triển của doanh nghiệp”, bà Minh nói.

“Năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động, nên tôi cho rằng cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là rất quan trọng”, Cục trưởng Minh nói.