Chuyên gia ĐH Fulbright nói về kinh nghiệm ứng phó Covid-19 của Việt Nam
Góc nhìn từ các chuyên gia Đại học Fulbright cho thấy một Việt Nam với những ‘bài toán đánh đổi’ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong bản sắc pháp luật để tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng.
Chính sách ứng phó của Việt Nam được đánh giá là hiệu quả
trong cuộc vượt qua khủng hoảng từ Covid-19. Ảnh: Internet.
Chấp nhận “Bài toán đánh đổi”
Trong các phân tích và nhận định của mình, TS. Vũ Thành Tự Anh và PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa đều đưa ra bức tranh toàn cảnh về tác động của đại dịch ở góc độ toàn cầu.
TS. Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: vietnamnet.
Theo các chuyên gia này, với quy mô kinh tế nhỏ và có độ mở thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay, đặc biệt là sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài (khu vực FDI chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng sản lượng công nghiệp) đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương nghiêm trọng trước các cú sốc bên ngoài.
TS. Vũ Thành Tự Anh nhận xét rằng, Covid-19 buộc các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chấp nhận với “bài toán đánh đổi”. Ông khuyến cáo: Không nên chạy theo GDP mà sao nhãng mục tiêu chống dịch. Những dự đoán gần đây của các tổ chức quốc tế như của ADB cho rằng Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 4,8% trong năm nay là quá lạc quan.
“Giữ tốc độ tăng trưởng không phải là mục tiêu chính yếu lúc này. Mục tiêu tối thượng là làm thế nào bảo toàn lực lượng để có thể chuẩn bị nền tảng hồi phục khi bước ra khỏi khủng hoảng. Lực lượng ở đây là sự sống của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, của hệ thống ngân hàng - tài chính và niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Nếu vì tiếc một vài điểm % tăng trưởng GDP mà xem nhẹ hay chấm dứt các biện pháp chống dịch quá sớm thì chúng ta có thể phải trả giá đắt” - TS. Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.
Ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh: Hệ thống các chính sách can thiệp của Chính phủ để ứng phó với tác hại của Covid-19 phải đáp ứng 5 mục tiêu: Hạ thấp đường cong nhiễm dịch; Bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp; Củng cố niềm tin xã hội; Bồi đắp nền tảng phục hồi; Hạn chế di hại tương lai.
Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của mục tiêu “bồi đắp nền tảng phục hồi” và “hạn chế di hại tương lai”. Bởi lẽ, “cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi. Vấn đề là chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái như thế nào, điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế, giống như đại bàng hồi sinh từ đống tro tàn”, chuyên gia đến từ Đại học Fulbright đặt vấn đề.
Bàn cụ thể hơn về “bài bài toán đánh đổi” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam khi rơi vào khủng hoảng
Do đó, nếu các chính sách đưa ra chỉ giải quyết các vấn đề ngay trước mắt mà thiếu tầm nhìn cho tương lai thì không những không bồi đắp được các nền tảng để phục hồi mà thậm chí còn có thể tạo ra những hệ lụy khó khắc phục về sau.
Kỳ vọng nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, thời điểm này mới chỉ bị tác động bởi vòng 1 của sức mua trên thị trường là do phải giãn cách xã hội nên người tiêu dùng không có cơ hội mua sắm từ khoảng tháng 3, 4, 5 kéo dài đến tháng 6 mới trở lại bình thường, tới tháng 7 thì dịch trở lại. Trong quý III sẽ là tác động của vòng 2, sức mua của thị trường sẽ bị kéo xuống.
Đặc biệt, kể từ quý III, thị trường còn chịu tác động của “giảm thu nhập”. Thời gian qua, NLĐ có thể thất nghiệp nhưng vẫn còn tiết kiệm, song tháng 9 trở đi thì tác động của giảm thu nhập sẽ thực sự rõ rệt.
TS. Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Internet.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu. Hoạt động sản xuất, chế biến chế tạo chưa bị gián đoạn nhiều. Có gián đoạn trong chuỗi cung ứng nhưng vì phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, nối lại các chuỗi cung ứng nên sản xuất công nghiệp vẫn có tăng trưởng khoảng 5% nhờ xuất khẩu.
TS. Nguyễn Xuân Thành nhận định, dù chịu ảnh hưởng lớn từ Covid-19, nhưng thời điểm này ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì, dù nợ xấu có tăng, tăng trưởng tín dụng giảm trong khi NHNN có nởi lỏng chính sách tiền tệ; lạm phát nhìn chung chung chỉ số giá không tăng cao. Giá trị VNĐ tính đến nay gần như rất ổn định so với USD, trong xu hướng USD giảm giá trong tháng qua thì VNĐ còn lên giá (gần đây, USD đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền lớn khác trên thế giới).
"Chúng ta kỳ vọng nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công”, theo đánh giá của ông Thành: Đây là ưu tiên chính sách của Nhà nước trong thời điểm này. Năm 2020 điểm sáng là đầu tư của nguồn khác tăng trưởng chậm, FDI giảm, đầu tư tư nhân trong nước tăng khoảng 5%, điểm mạnh nhất là đầu tư từ ngân sách sẽ tăng khoảng 20%, một phần để GDP có thể tăng được 2%".
Ông Thành cho rằng, hoạt động xuất khẩu và đầu tư công sẽ bù đắp cho thực trạng suy giảm tiêu dùng và sự tăng trưởng chậm của lĩnh vực đầu tư tư nhân trong 2020. Đương nhiên sẽ là trên nền tảng nếu như vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, với tình hình Covid-19 được kiểm soát, không bị xáo trộn trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu ít nhất sang Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng trưởng tốt…
"Đánh giá của tôi mang tính lạc quan đó là khả năng phục hồi nền kinh tế ở Việt Nam trong 2021 rất là cao, từ quý II/2021 thì kinh tế phục hồi. Đương nhiên với 2 điều kiện, 2 rủi ro kiểm soát tốt, thứ nhất là đại dịch Covid-19 được kiểm soát, vắc xin có được ở Việt Nam từ giữa 2021; thứ hai cho dù tỷ lệ thất nghiệp cao, phá sản doanh nghiệp tăng cao dẫn đến tăng nợ xấu, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững", ông Thành nhận định.
Bài học thấm thía về lãnh đạo và quản trị công
Theo PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, thảm họa COVID-19 cũng một lần nữa cho thấy bài học thấm thía về lãnh đạo và quản trị công: Các quốc gia có thể có những con đường phát triển khác nhau nhưng để xử lý khủng hoảng đều đòi hỏi một giới quyền thế có trách nhiệm với cộng đồng, một chính quyền có năng lực hành động và sự hậu thuẫn, tin tưởng của người dân.
Diễn giả Phạm Duy Nghĩa bàn về đại dịch Covid-19
nhìn từ góc độ pháp luật và quản trị công. Ảnh: Fulbright
Với những thành công ban đầu trong giai đoạn chống dịch vừa qua, TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin với bản sắc pháp luật của mình. Ông đưa ra một quan sát thú vị: Bản sắc pháp luật và quản trị quốc gia ở Việt Nam do nhiều yếu tố tác động, bao gồm các cam kết chính trị, pháp lý của giới quyền thế ở Việt Nam, các cam kết quốc tế, quy tắc ứng xử của kinh tế tư nhân, xã hội dân sự, cộng đồng trong nước cũng như luật mềm của các tập đoàn kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, giống như nhiều nước châu Á khác, gốc rễ văn hóa, tín ngưỡng và nền móng tư tưởng của người Việt Nam có ảnh hưởng không kém phần quan trọng. Nói cách khác, “nếu như người dân nhiều nước khác coi pháp luật là tối thượng thì ở Việt Nam, pháp luật chỉ là một nguồn phụ trợ trừ phi những ứng xử xã hội khác không đạt được hiệu quả”, TS. Phạm Duy Nghĩa nói.
Thực tế này cắt nghĩa vì sao Việt Nam có thể chống dịch thành công trong giai đoạn đầu với nguồn lực ít ỏi, nhờ sự hậu thuẫn của các nhóm trong xã hội và những thói quen sẵn có trong cộng đồng giúp cho các chính sách có thể triển khai nhanh và được đại đa số người dân chấp hành.
Hội thảo trực tuyến với TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright về chủ đề: Dịch bệnh Covid-19: Tác động và chính sách ứng phó của Chính phủ vừa diễn ra với sự tham dự của gần 500 độc giả. Đây là mở đầu cho chuỗi hội thảo chính sách liên quan đến chủ đề Covid-19 của các giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đồng thời, cũng là sự tiếp nối Hội thảo trực tuyến với PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) về chủ đề: Đại dịch Covid-19 nhìn từ góc độ pháp luật và quản trị công, diễn ra vào tháng 4/2020. Bàn về chính sách ứng phó của Việt Nam với Covid-19, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách Công, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kennedy tự tin nhận định về khả năng phục hồi của nền kinh tế trong nước có thể bắt đầu từ quý II/2021. |
Minh Hoa (T/h)