Chuyên gia: Luật Dữ liệu mới chuyển đổi an ninh mạng và kinh tế Việt Nam ra sao?
Trước các mối nguy về an ninh mạng toàn cầu ngày càng gia tăng, Luật Dữ liệu mới của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) được kỳ vọng sẽ củng cố các biện pháp bảo mật và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về an ninh mạng.
Tiến sĩ James Kang, giảng viên cấp cao về Khoa học máy tính tại Đại học RMIT Việt Nam, bình luận sâu về tiềm năng của Luật Dữ liệu trong việc xây dựng khung an ninh mạng vững chắc và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ các sự cố an ninh mạng toàn cầu?
Sự cố an ninh mạng toàn cầu, chẳng hạn như vụ trộm tiền mã hóa của Triều Tiên, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa xuyên biên giới và tính cấp thiết của hợp tác quốc tế. Một vụ việc đáng chú ý là chính quyền Thụy Sĩ đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền Hàn Quốc để thu hồi 260.000 đô la Mỹ tài sản bị đánh cắp và hoàn trả cho nước này.
Một ví dụ khác là chiến dịch Destabilise do Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia Vương quốc Anh (NCA) dẫn đầu, đã triệt phá các mạng lưới rửa tiền liên quan đến tội phạm mạng của Nga. Phối hợp với các đối tác quốc tế như FBI, chiến dịch đã dẫn đến 84 vụ bắt giữ và tịch thu hơn 20 triệu bảng Anh, nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng.
Theo Tiến sĩ Kang, các chiến dịch toàn cầu như vậy cho Việt Nam những bài học quý giá khi quốc gia này từng phải đối mặt với các vụ hack tiền mã hóa lớn gây thiệt hại hàng tỉ USD.
“Những sự cố như vụ trộm tiền mã hóa của Triều Tiên và chiến dịch Destabilise nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc chống lại đe dọa an ninh mạng một cách hiệu quả”, Tiến sĩ Kang nhận định.
Việt Nam nên áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như yêu cầu đăng ký bắt buộc và kiểm toán thường xuyên các sàn giao dịch tiền mã hóa. Bên cạnh đó, cần triển khai rộng rãi hơn các giải pháp công nghệ tiên tiến như xác thực đa yếu tố (MFA), mật khẩu dùng một lần (OTP) và xác thực sinh trắc học, vốn đã phổ biến trong ngành ngân hàng.
“Việc áp dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến là bước đi quan trọng trong việc bảo vệ người dùng”.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chiến dịch giáo dục có mục tiêu là điều hết sức quan trọng nhằm giảm rủi ro gian lận và tăng cường an ninh mạng cá nhân.
Luật Dữ liệu mới sẽ củng cố hạ tầng an ninh mạng và vị thế quốc tế của Việt Nam như thế nào?
Luật Dữ liệu mới của Việt Nam mang lại những thay đổi đáng kể về cách quản lý và bảo vệ thông tin. Điểm nổi bật của luật là việc thành lập Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, nhằm tăng cường an ninh và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.
Luật cũng quy định chặt chẽ việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới, yêu cầu dữ liệu được xử lý bên ngoài lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh của Việt Nam. Tiến sĩ Kang tin rằng, quy định này sẽ giảm thiểu rủi ro rò rỉ dữ liệu quốc tế và tạo dựng lòng tin với doanh nghiệp toàn cầu.
“Việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia không chỉ bảo vệ thông tin mà còn nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu và hỗ trợ quản lý dữ liệu hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực”, ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, luật cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, cho phép chia sẻ thông tin an toàn giữa các tổ chức và đối tác quốc tế. Điều này giúp Việt Nam tham gia tích cực vào các sáng kiến an ninh mạng toàn cầu, tăng cường sức ảnh hưởng và quan hệ đối tác.
Luật Dữ liệu mới của Việt Nam được cho là sẽ tăng cường an ninh mạng và tạo động lực đáng kể cho nền kinh tế số của đất nước. Về mặt kinh tế, luật này giúp tăng cường niềm tin vào các hoạt động trực tuyến, khuyến khích đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp tuân thủ luật có thể giảm thiểu rủi ro rò rỉ dữ liệu, giảm chi phí và nâng cao uy tín với khách hàng.
“Doanh nghiệp tuân thủ luật sẽ giảm thiểu rủi ro và có được niềm tin của khách hàng, tạo điều kiện tăng trưởng bền vững”, Tiến sĩ Kang nhận định.
Về mặt xã hội, luật này bảo vệ quyền riêng tư và quyền cá nhân, giúp công dân vững tin khi tham gia vào các hoạt động số. Sự bao hàm này giúp thu hẹp khoảng cách thế hệ và đảm bảo quyền tiếp cận công nghệ bình đẳng, góp phần tạo nên một xã hội số gắn kết hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai luật cũng đặt ra những thách thức. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu tuân thủ, chẳng hạn như chỉ định nhân viên bảo vệ dữ liệu và triển khai các hệ thống bảo mật tiên tiến. Ngoài ra, các quy định dữ liệu nghiêm ngặt có thể cản trở đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI và fintech.
“Việc triển khai phải được quản lý cẩn thận để đạt mục tiêu bảo vệ dữ liệu mà không cản trở sự tiến bộ kinh tế”, Tiến sĩ Kang khuyến nghị.
Luật Dữ liệu mới của Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số an toàn và hiệu quả. Qua việc áp dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo điều kiện cho đổi mới, Việt Nam tự định vị là quốc gia dẫn đầu về an ninh mạng và kinh tế số.
“Luật Dữ liệu mới không chỉ bảo vệ quyền riêng tư mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm hợp tác an ninh mạng toàn cầu, góp phần vào phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, Tiến sĩ Kang kết lời.
Tiến sĩ James Kang
Giảng viên cấp cao về Khoa học máy tính, Khoa Khoa học, KT&CN, Đại học RMIT Việt Nam