Chuyên gia: Phê chuẩn Công ước 98 ILO là căn cứ sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động 2019

17:30 | 24/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bàn về tác động của việc gia nhập Công ước số 98 của ILO đối với việc giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam, ông Trần Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng giới chủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Công ước chính là căn cứ sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019.

Chuyên gia: Phê chuẩn Công ước 98 ILO là căn cứ sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động 2019 - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Phát biểu tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động” do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức sáng 24/09, tại Hà Nội, ông Trần Chí Dũng cho rằng: Giải quyết tranh chấp lao động và đình công đang là điểm nghẽn trong thực tiễn và trong pháp luật lao động  hiện hành. Chương 14 của Bộ luật Lao động hiện là chương có ít tính khả thi nhất trong Bộ luật.

Công ước 98 của ILO về áp dụng các nguyên tắc về quyền tổ chức và thương lượng tập thể được Quốc hội  Việt Nam thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc Hội khóa 14, ngày 14/06/2019. Việc phê chuẩn Công ước 98 của ILO tác động tới việc giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam hiện nay.

“Tác động của việc phê chuẩn Công ước 98 của ILO đối với việc giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam được đánh giá là tích cực. Theo đó, quy trình giải quyết tranh chấp lao động trong Dự thảo Bộ luật Lao động 2019  được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa, nghĩa là sau khi hòa giải viên lao động hòa giải không thành, các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc tiến hành thủ tục đình công. Chế tài giải quyết tranh chấp lao động thay đổi từ chế tài trọng tài bắt buộc và phán quyết tự nguyện (Bộ luật Lao động 2012) sang chế tài trọng tài tự nguyện và phán quyết bắt buộc (dự thảo Bộ luật Lao động 2019)”, ông Dũng nói.

Chuyên gia: Phê chuẩn Công ước 98 ILO là căn cứ sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động 2019 - ảnh 2
Ông Trần Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng giới chủ, VCCI chia sẻ tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động”. Ảnh:Minh Hoa/DNVN.
Cũng theo nguyên Chủ tịch Hội đồng giới chủ, Công ước 98 có ba nguyên tắc. Đó là bảo vệ người lao động (NLĐ) chống các hành vi phân biệt đối xử về công đoàn: “NLĐ được hưởng sự bảo vệ chính đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ".

Cùng với đó là bảo vệ tổ chức của NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) khỏi sự can thiệp lẫn nhau. “Các tổ chức của NLĐ, NSDLĐ hưởng quyền bảo vệ chính đáng trước mọi hành vi can thiệp lẫn nhau bởi các tác nhân hoặc thành viên của tổ chức khác trong việc thành lập, hoạt động và điều hành tổ chức".

Ngoài ra, Công ước 98 tăng cường thương lượng tập thể: "Các biện pháp tương ứng với điều kiện quốc gia được triển khai ở những nơi cần thiết nhằm khuyến khích và tăng cường việc sử dụng và phát triển mạnh nhất các chế tài thương lượng tự nguyện giữa tổ chức của NLĐ và NSDLĐ về việc quy định các điều khoản và điều kiện làm việc trong thỏa ước lao động tập thể".

Quyền thương lượng tập thể trong Công ước 98 của ILO quy định: Quyền thương lượng tự nguyện và bình đẳng giữa tổ chức NLĐ và NSDLĐ.

Chế tài thương lượng tự nguyện bao gồm: Công nhận đại diện công đoàn; các thủ tục dàn xếp thương lượng thông qua hòa giải, trọng tài tự nguyện; các thủ tục pháp luật bắt buộc các bên thực thi thỏa ước lao động tập thể.

“Phê chuẩn Công ước 98 của ILO là tăng cường bảo vệ các tổ chức đại diện của tập thể NLĐ, trong đó có các tổ chức đại diện NLĐ nằm ngoài Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trước các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp thao túng của NSDLĐ. Từ đó thúc đẩy phong trào công nhân mạnh mẽ, tìm ra những thủ lĩnh công đoàn thực sự, có thể tổ chức thương lượng tập thể và lãnh đạo đình công”, ông Trần Chí Dũng nhận định.