Chuyển giao công nghệ tại Thái Lan và bài học cho Việt Nam
Theo TS. Nguyễn Hữu Xuyên, trong quá trình chuyển giao công nghệ, Thái Lan đã đạt được rất nhiều thành tựu.
Đó là, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tiếp nhận và chuyển giao trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Các chính sách tập trung vào thúc đẩy đầu tư nghiên cứu phát triển; khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công nghệ vào các ngành trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp Thái Lan đầu tư ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường quốc tế.
Thái Lan đã gắn các hoạt động thu hút, chuyển giao công nghệ với các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và khoa học, công nghệ.
Hình thành chiến lược nhập khẩu công nghệ và có gắn kết giữa khu vực công nghiệp, khu vực nghiên cứu trong chuyển giao công nghệ. Cụ thể, Thái Lan có chiến lược nhập khẩu công nghệ thông qua FDI từ các tập đoàn lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Nhập khẩu công nghệ, tiến tới cải tiến, giải mã, làm chủ để sản xuất các sản phẩm có khả năng xuất khẩu đã giúp Thái Lan đạt được những thành công nhất định trong một số lĩnh vực chủ đạo của nền công nghiệp.
Tiếp đó, Thái Lan thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ cho hoạt động đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi, Thái Lan còn có những bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp hỗ trợ khác, điển hình như ngành điện, điện tử, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế.
Đồng thời, Thái Lan có các ưu đãi về tài chính và có chính sách hợp tác quốc tế phù hợp trong chuyển giao và đổi mới công nghệ. Trong đó, chính sách ưu đãi tài chính thông qua các quỹ phát triển đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Quỹ phát triển đổi mới hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất với hình thức 50-50 (doanh nghiệp phải bỏ ra ít nhất 50% kinh phí, còn lại 50% kinh phí sẽ được hỗ trợ với lãi suất thấp khoảng 5%/năm, từ 5-10 năm). Quỹ nghiên cứu và phát triển công nghệ hỗ trợ dưới hình thức cho vay lãi suất thấp để phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp nâng cấp, cải tiến máy móc, thiết bị nhằm nâng cao sản phẩm đầu ra.
Cuối cùng, Thái Lan có lộ trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong từng giai đoạn phát triển cụ thể.
Từ năm 1960-1980, Thái Lan thúc đẩy chuyển giao công nghệ được định hướng để đón dòng vốn FDI, đặc biệt từ Nhật Bản.
Giai đoạn 1981-1986, các chính sách của Thái Lan hướng về xuất khẩu, trong bối cảnh dòng vốn FDI về công nghệ khá cao, các công ty đã bước vào thời kỳ sả xuất sản phẩm điện tử rất mạnh ở Thái Lan. Kế hoạch quốc gia của Thái Lan thời kỳ này tập trung phát triển ngành sản xuất máy công cụ.
Từ năm 1986-1991, Thái Lan định hướng theo hướng phục vụ phát triển nông nghiệp để phát huy thế mạnh quốc gia.
Còn trong giai đoạn 1991-1996, các hoạt động chuyển giao công nghệ được định hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến.
Từ 1997 đến nay, chuyển giao công nghệ được định hướng phục vụ phát triển bền vững. Đặc biệt, Thái Lan đã hình thành nền tảng cho hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ đến năm 2026.
Bài học cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường kiểm soát và xây dựng chiến lược nhập khẩu công nghệ phù hợp để hạn chế tình trạng chuyển giá, gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.
Việt Nam cần gắn hoạt động chuyển giao công nghệ với việc nâng cao năng lực công nghệ nhằm phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và khoa học, công nghệ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ cần được thực hiện đồng bộ, tương thích và có lộ trình, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và khoa học, công nghệ từng giai đoạn.
Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, định giá công nghệ để phục vụ cho việc thu hút, nhập và chuyển công nghệ, đặc biệt, trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Kết quả đánh giá, định giá công nghệ có thể là chứng thư để các tổ chức tín dụng, ngân hàng chấp nhận kết quả định giá để cấp tín dụng, cho vay với tài sản đảm bảo là công nghệ.
Kích thích nguồn cung công nghệ trong nước thông qua các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đồng thời, tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, có các chính sách ưu đãi tài chính phù hợp cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, cần xem xét tăng mức hỗ trợ vay không lãi cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển từ mức 30% hiện nay lên mức 80% cho tất cả các lĩnh vực đổi mới công nghệ, không nhất thiết phải nằm trong danh mục các dự án đổi mới công nghệ được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ.
Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự được kích thích đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo đà cho quá trình chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.