Có phải thế giới đều muốn Mỹ - Nga hòa hợp?

11:55 | 18/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mặc cho những phản đối và lo ngại, quan hệ Mỹ-Nga không chỉ được cải thiện mà là mong muốn được hòa hợp, từ nhiều phía.

Có phải thế giới đều muốn Mỹ - Nga hòa hợp? - ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7.  
 "Tốt hơn cả xuất sắc"

Cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh, ngày 16/7 tại Helsinki, Phần Lan được coi là "trực diện, cởi mở, hiệu quả cao", tuy mới chỉ bắt đầu, AFP dẫn lời ông Trump trong cuộc họp báo ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga kết thúc.

Tổng thống Nga cũng khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh "thành công và hữu ích", trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các cuộc thảo luận "tốt hơn cả xuất sắc".

Tờ Sun miêu tả hai nhà lãnh đạo đã gặp riêng hơn hai giờ và có bữa trưa làm việc với thành phần mở rộng gồm các quan chức Nga và Mỹ ở Helsinki. Hai lãnh đạo bàn về các vấn đề như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Syria.

Mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Mỹ chúc mừng nước Nga đã tổ chức "một trong những kỳ World Cup thành công nhất" trong lịch sử. "Tôi có xem qua một chút, World Cup đã được tổ chức rất tốt", ông Trump nói.

Có phải thế giới đều muốn Mỹ - Nga hòa hợp? - ảnh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan. 
Ông Trump cũng cho biết có rất nhiều điều tốt đẹp muốn đàm phán với lãnh đạo Nga, từ vấn đề thương mại đến Trung Quốc và "người bạn chung Chủ tịch Tập Cận Bình".

"Chúng ta có những cơ hội tuyệt vời cùng nhau, chúng ta chưa hoà hợp trong nhiều năm", ông Trump nói thêm. "Hoà hợp là điều tốt, thế giới muốn chúng ta hoà hợp. Chúng ta có 90% vũ khí hạt nhân của thế giới và đó không phải là điều hay".

Tuy nhiên, ông Trump không đề cập đến những chủ đề đang rất được quan tâm như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria, NATO hay Triều Tiên.

Về phần mình, ông Putin nói với ông Trump rằng đã đến lúc thảo luận về quan hệ giữa Moskva và Washington. Ông cũng gợi ý thảo luận về những vấn đề đa quốc gia khó khăn. "Có đủ các vấn đề chúng ta cần bắt đầu chú ý đến", Putin nói khi ngồi cạnh ông Trump.

Thân mật và hàm ý sâu xa, ông Putin đã tặng Tổng thống Mỹ quả bóng World Cup. Tổng thống Mỹ vui vẻ nhận quả bóng từ người đồng cấp Nga, rồi mỉm cười tung nó về phía đệ nhất phu nhân ngồi gần đó.

Nga mong chờ, Mỹ mong muốn và lo ngại chỉ là thiểu số

Có phải thế giới đều muốn Mỹ - Nga hòa hợp? - ảnh 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7 
Trước cuộc gặp thượng đỉnh, truyền thông quốc tế đều đưa tin về sự mong chờ của Nga tới cuộc gặp.

Theo đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định lãnh đạo Nga đủ thực tế để chấp nhận việc Trump đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết nhưng để xây dựng quan hệ lợi ích chung, "Quan hệ song phương đang rất tệ... Chúng ta cần bắt đầu một cái gì đó để thay đổi thực trạng này."

Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh, ông chủ Điện Kremlin đã coi đây là cơ hội rất được mong chờ để hàn gắn quan hệ với Washington sau nhiều năm căng thẳng, qua đó thiết lập nền tảng cho các liên lạc cấp cao thường xuyên.

Ông Putin muốn Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, rút lực lượng NATO đang được triển khai gần biên giới Nga và khôi phục hoạt động thương mại bình thường với Moskva.

Về lâu dài, ông hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ thừa nhận ảnh hưởng của Moskva đối với các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước đây, cũng như thừa nhận Nga là nhân tố chủ chốt trên trường quốc tế với lợi ích phải được xem trọng.

Mục tiêu dài hạn của ông Putin đã được đặt ra, tuy ông hiểu rằng không thể đạt tiến bộ đáng kể nào chỉ từ một cuộc họp.

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Trump cho rằng Nga và Mỹ đều mắc lỗi và đều có trách nhiệm đối với quan hệ rạn nứt. AFP dẫn lời ông Trump: "Chúng ta nên có cuộc đối thoại chân thành này từ lâu rồi. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có lỗi. Tôi nghĩ Mỹ đã bắt đầu bước đi cùng Nga", “Hoà hợp là điều tốt, thế giới muốn chúng ta hoà hợp”.

Tổng thống Trump dường như rút lại những điều ông nói trước đó tại họp báo khi đăng thông điệp trên Twitter: "Như tôi nói hôm nay và nhiều lần trước đó: 'Tôi đặt niềm tin lớn vào những nhân viên tình báo của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng để xây dựng tương lai tươi sáng hơn, chúng ta không thể chỉ tập trung vào quá khứ. Là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, chúng ta phải hoà hợp!".

Rõ ràng, sự mong muốn này của ông Trump đã đi cùng với kỳ vọng không thấp như báo chí trước đó đã bình luận, đúng theo khẳng định từ phía ông chủ Nhà Trắng "sẽ chẳng có điều gì xấu và có khi còn đạt kết quả tốt".

Trong một khía cạnh khác, ông Trump muốn cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga là một cơ hội khác để chứng tỏ rằng ông có thể ứng phó với những nhân vật ngoại quốc “khó tính” tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Thậm chí, đối với EU, cho dù lo ngại ông Trump sẽ rút khỏi các liên minh phương Tây truyền thống và cho phép Putin mở rộng tầm ảnh hưởng nhưng bản thân EU cũng đã có những hy vọng nhất định về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga.

Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag của Đức, Ngoại trưởng Đức Maas một mặt nhấn mạnh "việc đánh đổi lợi ích của các đồng minh để theo đuổi những thỏa thuận đơn phương cũng sẽ gây phương hại cho Mỹ", một mặt bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga sẽ giúp đạt được những tiến triển trong công tác giải trừ vũ khí hạt nhân.

Có phải thế giới đều muốn Mỹ - Nga hòa hợp? - ảnh 4
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas
 Trước đó, ngày 11/7, Ngoại trưởng Belarus Oleg Kravchenko nhận định rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể giúp giảm căng thẳng ở Đông Âu.  

Ông Kravchenko nhấn mạnh: "Tôi tin rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump là một diễn biến rất tích cực, hy vọng sẽ dẫn đến giảm bớt căng thẳng trong khu vực này. Đó là lợi ích tốt nhất cho mọi người. Mọi quốc gia, kể cả Belarus, đều mong chờ cuộc gặp này",  theo Sputniknews.

Động thái mới nhất, trước sự phản đối gay gắt từ một số thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt ông John McCain gọi cuộc họp báo ở Helsinki là "một trong những màn thể hiện nhục nhã nhất của một tổng thống Mỹ", đồng thời cáo buộc Trump không bảo vệ đất nước, tờ 9new ngày 17/7 đã dẫn lời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull: “Donald Trump là một người Mỹ yêu nước. Công việc của ông ấy là đại diện đất nước và ông ấy đang làm việc này với tất cả khả năng".

Như vậy, tất cả các đồn đoán về thất bại cũng như rất ít hy vọng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga đã không xảy ra.

Cái nháy mắt của ông Trump với người đồng cấp Nga mà truyền thông quốc tế cho rằng có thể đã diễn ra trong tích tắc khi mở đầu cuộc gặp thượng đỉnh tiếp tục là một ẩn ý với sự lạc quan nhất định về cuộc hòa hợp Mỹ - Nga thời gian tới.