Cổ phiếu của các ngân hàng sau chuyển sàn sẽ ra sao?

14:02 | 13/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đang rất khả quan trên thị trường chứng khoán, việc chuyển sàn giao dịch cho thấy các ngân hàng đang có những tính toán chiến lược riêng.
Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến hết năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết 2020, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng kí giao dịch trên sàn UpCom. Điều này đã thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng lên sàn và chuyển sàn thời điểm cuối năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh nhiều tháng qua.
 
Cổ phiếu của các ngân hàng sau chuyển sàn sẽ ra sao? - ảnh 1
 

Làn sóng chuyển sàn của các ngân hàng 

Mùa đại hội cổ đông năm nay có ít nhất 4 ngân hàng đã chốt phương án chuyển giao dịch từ HNX và UPCoM sang HSX, bao gồm ACB, SHB, VIB và LienVietPostBank. Trong đó LienVietPostBank và VIB đã thực hiện xong việc chuyển sàn hôm 09 và 10/11 vừa qua, sắp tới đến lượt SHB.
 
Ngày 9/11/2020, gần 977 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (Mã chứng khoán LPB) đã chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Năm 2020, LienVietPostBank là ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển sàn và trở thành ngân hàng thứ 11 niêm yết trên HOSE. 
 
Trong tờ trình của ACB, ngân hàng này muốn tận dụng việc chuyển sàn để có thể vào các rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead, hay VNFIN Select…Các ngân hàng khác như VIB, LVP tuy không nói rõ lý do trong tờ trình xin chuyển sàn, nhưng họ cũng có ý định như thế thông qua việc tăng vốn. Trong đó LVP trả 10% cổ tức bằng cổ phiếu, VIB phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%. ACB cũng thông qua việc trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu  với tỉ lệ 10:3. Cổ phiếu SHB cũng đã tăng đáng kể sau những thông tin về kế hoạch chuyển sàn. Chốt phiên 6/11, giá cổ phiếu SHB đạt mức 16.100 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 200% kể từ đầu năm (đã tính điều chỉnh giá). 
 
Tương tự cổ phiếu ACB chốt phiên 6/11 là 25.100 đồng, tăng trên 40% kể từ đầu năm (giá đã có điều chỉnh) với khối lượng khớp lệnh gần 4 triệu đơn vị.
Được biết, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của SHB, MSB và ACB.
 
Lãnh đạo các ngân hàng chuẩn bị chuyển sàn cuối năm 2020 đều thừa nhận, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE không chỉ tốt cho các ngân hàng mà còn tốt cho cả thị trường chứng khoán.
Còn với các ngân hàng, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE là động lực để các ngân hàng nâng cao chuẩn minh bạch, dễ dàng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, từ đó thuận lợi hơn trong các kế hoạch huy động vốn.

Chuyển sàn - kế hoạch kinh doanh hoàn hảo của các ngân hàng 

Thị trường đang chứng kiến các cổ phiếu của nhóm ngân hàng chuyển sàn khá thu hút giới đầu tư. Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu của VIB tăng từ 17.000 đồng lên hơn 32.000 đồng, của LPB từ vùng 6.000 đồng lên quanh 12.000 đồng, cổ phiếu SHB tăng mạnh nhất khi đi từ 6.000 đồng lên gần 17.000 đồng còn ACB từ 19.000 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu.

 
Nếu như LPB và VIB thu hút sự quan tâm khi chuyển từ UPCoM lên HSX giúp thanh khoản tốt hơn thì ACB và SHB là 2 trong số cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa hàng đầu trên HNX thu hút được sự chú ý nhiều của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng khiến biên lợi nhuận của ngành ngân hàng đi xuống.
Tiến sỹ cho rằng việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.
Trong tình hình toàn nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ COVID-19, việc tăng vốn liên tục ngoài việc giúp các ngân hàng tăng “đệm” thanh khoản, còn giúp ứng phó với rủi ro tốt hơn. Có nhiều lý do ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngân hàng, nhưng kỳ vọng tăng trưởng dựa vào tiềm lực thật sự của ngân hàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. 
Mỹ Duyên