Coca Cola lâm khủng hoảng do quảng cáo dùng AI

Thành Vũ 14:09 | 18/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quyết định tận dụng AI được quảng bá như bước đi chiến lược để gắn kết di sản thương hiệu với công nghệ hiện đại, nhưng liệu sự thay đổi này có phù hợp khi bản chất của Coca-Cola gắn liền với yếu tố con người và cảm xúc?

Những sự kiện gần đây đã đặt Coca-Cola vào tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Từ việc sử dụng AI trong quảng cáo đến sự cố thu hồi sản phẩm, công ty này đang chịu sức ép lớn về cả mặt đổi mới công nghệ lẫn quản trị vận hành.

Mùa Giáng sinh năm nay, Coca-Cola quyết định đưa công nghệ vào trung tâm chiến lược quảng cáo với loạt video sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, thay vì gợi lên cảm giác hoài niệm và ấm áp như những quảng cáo trước đây, những đoạn phim ngắn này nhận phải chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng, theo Forbes.

Lấy cảm hứng từ quảng cáo “Holidays Are Coming” huyền thoại năm 1995, phiên bản mới do AI tạo ra đã tái hiện hình ảnh những chiếc xe tải đỏ chở Coca-Cola, các biểu tượng Giáng sinh, và người tiêu dùng thưởng thức nước ngọt.

Nhưng điểm khác biệt nằm ở cách AI xử lý. Các chi tiết kỳ lạ như bánh xe lướt mà không quay, kích thước người so với xe không đồng nhất, và bàn tay Santa Claus trông “cao su hóa” đã khiến người xem không khỏi hoang mang. Các cảnh quay thiếu tự nhiên và cảm xúc càng làm nổi bật giới hạn của công nghệ AI.

Ba studio AI gồm Secret Level, Silverside AI và Wild Card, đã hợp tác để tạo ra những quảng cáo này. Họ sử dụng các mô hình AI tạo hình Leonardo, Luma, Runway và Kling để sản xuất. Điều thú vị là những quảng cáo mới do AI tạo ra này làm nổi bật điểm yếu và hạn chế nghiêm trọng của làn sóng mô hình tạo video hiện nay.

Việc tạo ra con người đi kèm với những biến dạng, biểu cảm khuôn mặt kỳ quái và chuyển động không tự nhiên là một thách thức vô cùng lớn đối với AI.

Nhà sáng lập Secret Level, Jason Zada ​​đã trò chuyện với Ad Age về quy trình sản xuất đằng sau quảng cáo Coca-Cola và giải thích rằng Kling đã giúp chuyển động của con người trở nên "thực tế hơn".

Jason Zada bày tỏ rằng để tạo ra một cảnh quay đơn giản như chú sóc đầu phim, đội ngũ phải chạy mô hình AI hàng trăm lần.

Nhiều nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã không ngần ngại chỉ trích rằng công nghệ này không chỉ làm giảm chất lượng nghệ thuật mà còn đe dọa công việc của các nghệ sĩ.

Nhận xét về quảng cáo này, nhà sáng tạo ra Gravity Falls, Alex Hirsch đã nói đùa rằng Coca-Cola có màu đỏ vì nó được làm “từ máu của những nghệ sĩ thất nghiệp”.

Megan Cruz, nhà sáng tạo podcast, gay gắt nhận định: “AI không mang lại sự bình đẳng hay đổi mới gì cả. Nó chỉ là công cụ để các CEO giàu có cắt giảm đội ngũ sáng tạo và kiếm thêm vài triệu USD cho tiền thưởng của mình.”

Cơn bão dư luận từ quảng cáo giáng sinh mới nhất là một trong nhiều lùm xùm mà Coco-Cola phải đối mặt gần đây. Trước đó, Coca-Cola đã phải đối mặt với một vụ thu hồi sản phẩm lớn nhất trong vòng 25 năm tại Áo. Ngày 24/10, tờ DW đưa tin hãng nước giải khát này đã thông báo rằng một số chai nửa lít của các dòng sản phẩm Coke, Fanta, Sprite và MezzoMix có thể chứa mảnh kim loại nhỏ do lỗi kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất.

Mặc dù sự cố được Coca-Cola mô tả là chỉ xảy ra trên “rất ít” sản phẩm, nhưng công ty đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền Áo để thu hồi toàn bộ các lô hàng liên quan, đồng thời đảm bảo người tiêu dùng được hoàn tiền ngay cả khi không có hóa đơn.

Đây là bước đi nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu, nhưng cũng làm nổi bật lỗ hổng trong quy trình kiểm soát chất lượng. Người phát ngôn của Cơ quan Thị trường Vienna cho biết, với sự tham gia của 80 thanh tra viên, họ dự kiến hoàn tất việc thu hồi trong vài tuần. Tuy nhiên, sự cố này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng vào một thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola.

Giữa những lùm xùm, báo cáo tài chính quý III của Coca-Cola cho thấy một bức tranh kinh doanh hai chiều. Dù đạt doanh thu 11,95 tỷ USD, vượt dự đoán 11,6 tỷ USD từ các nhà phân tích, khối lượng bán hàng theo đơn vị lại giảm 1%.

CEO James Quincey thừa nhận rằng nhiều khách hàng đang có xu hướng “tìm kiếm giá trị,” khiến nhu cầu suy giảm, đặc biệt tại các thị trường quốc tế. Mặc dù giá cao giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm, nhưng cách tiếp cận này không bền vững trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với giá cả.

Đây là thách thức lớn mà Coca-Cola phải đối mặt, nhất là khi các đối thủ như PepsiCo đã bắt đầu áp dụng chiến lược định giá linh hoạt hơn để thu hút khách hàng, theo CNBC.