Cổng dịch vụ công quốc gia tiết kiệm được gần 8.000 tỷ nhờ chuyển đổi số

10:36 | 18/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau một năm vận hành, các hệ thống thông tin chính phủ điện tử của Chính phủ đã tiết kiệm chi phí ước tính trên 8.500 tỉ đồng.
Trong đó, Cổng dịch vụ công quốc gia được xem là kênh hữu hiệu nhất trong việc "hiện đại hóa" thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.
 
Với hơn 3,5 triệu văn bản điện tử được gửi/nhận qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ước tính đã giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, với việc tích hợp được trên 2.500 thủ tục hành chính, hơn 612.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần tiết kiệm được hơn 6.700 tỉ đồng chi phí xã hội, theo ước tính của Văn phòng Chính phủ.
 
Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (e-Cabinet)... đều là những nền tảng do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng và vận hành. Những nền tảng này cũng tạo ra sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
 
  Cổng dịch vụ công quốc gia
 
Trong năm 2020, theo ông Phạm Đức Long - tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, tập đoàn này đã tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số nội bộ - số hóa toàn bộ hoạt động, chuyển đổi các hệ thống quản trị tiệm cận thông lệ thế giới và phù hợp với thực tế tại VNPT. "Chúng tôi đã thực hiện mục tiêu chuyển đổi thành doanh nghiệp số hoạt động toàn bộ trên môi trường số" - ông Long nhấn mạnh.
 
Sau khi tái cơ cấu và xác định chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, ông Long khẳng định VNPT đã cho thấy rằng nếu vừa khai thác được những thế mạnh sẵn có cùng với việc chủ động, nhạy bén trong xây dựng chiến lược, xác lập vị trí dẫn dắt trong nền kinh tế số, doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi mang tên "chuyển đổi số".
 
Theo ông Phan Tâm - thứ trưởng Bộ TT&TT, dịch COVID-19 đã thay đổi một cách căn bản các hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng chống chịu và thích ứng của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế trong môi trường tiếp tục thay đổi nhanh và có xu hướng chuyển dịch online để mở rộng thị trường vươn ra khu vực và thế giới.
 
"Trong bối cảnh đó, VNPT đã kịp thời nắm bắt được cơ hội và đang đi đúng hướng trên con đường tự đổi mới, tái cấu trúc định hình lại để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Tập đoàn đã có những bước thành công rất đáng khích lệ trong tiến trình chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông thành doanh nghiệp CNTT và nay trở thành doanh nghiệp công nghệ số" - ông Phan Tâm đánh giá.
 
Trong năm 2020, đồng hành với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống COVID-19, VNPT đã đưa ra nhiều giải pháp phục vụ việc giãn cách xã hội như: phần mềm đào tạo trực tuyến VNPT E-Learning, phần mềm họp trực tuyến VNPT Meeting đã được VNPT triển khai. Đặc biệt, VNPT đã xây dựng ứng dụng Khai báo y tế tự nguyện (NCOVI) phục vụ người dân khai báo y tế một cách dễ dàng, giúp kiểm soát được tình hình dịch bệnh, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.
 
Theo Tuổi trẻ