Công ty chứng khoán công bố kế hoạch kinh doanh 2023: Kẻ 'cài số lùi', người vững niềm tin

Diên Vỹ 15:41 | 17/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong khi một số doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đi lùi trong bối cảnh thị trường nhiều diễn biến phức tạp, tình hình vĩ mô thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, một số vẫn đưa ra kế hoạch kinh doanh lạc quan.

 

 Diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. Nguồn: TradingView.

Kỳ vọng vĩ mô ổn định làm điểm tựa cho kế hoạch kinh doanh khởi sắc

Là một trong những công ty chứng khoán đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong năm nay, HĐQT Chứng khoán MB (MBS) gần đây đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu và lãi trước thuế năm 2023 lần lượt đạt 2.700 tỷ đồng và 900 tỷ đồng, tức tăng lần lượt 37% và 36% so với năm 2022.

Kế hoạch kinh doanh được MBS đưa ra dựa trên kỳ vọng môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định hơn trong năm 2023 với mức tăng trưởng GDP trên 6%, trong khi lạm phát dự kiến giảm về mức 3% do nhu cầu hàng hóa cơ bản giảm cũng như chịu tác động bởi mặt bằng lãi suất cao trên toàn cầu. 

Dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam 2023, MBS cho rằng thách thức vẫn còn nhưng tín hiệu tích cực có thể xuất hiện khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng hoặc thậm chí giảm lãi suất về cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế với điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt. Theo đó, MBS đưa ra kế hoạch kinh doanh lạc quan dựa trên kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ hồi phục trở lại từ quý II/2023 dù quy mô giao dịch có thể giảm so với năm 2022 với giá trị giao dịch bình quân từ 15-18 ngàn tỷ đồng. VN-Index kỳ vọng dao động trong vùng 900-1.200 điểm.

Tương tự, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - mã: VDS) gần đây cũng công bố kế hoạch kinh doanh tích cực với lãi sau thuế 217 tỷ đồng so với mức lỗ 115 tỷ đồng của năm 2022.

Theo đó, doanh nghiệp đánh giá TTCK Việt Nam năm 2023 nhiều khả năng đi ngang (VN-Index năm nay dự báo dao động trong khoảng 930-1.270 điểm) với thanh khoản thấp hơn năm ngoái (dự báo bình quân 13.000-15.000 tỷ đồng/ phiên) trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao và dòng tiền còn khó khăn.

Với những dự phóng như vậy, VDSC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 890 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3% so với mức thực hiện năm 2022, trong đó doanh thu từ dịch vụ chứng khoán (trụ cột doanh thu số 1 của doanh nghiệp) dự kiến tăng nhẹ so với năm ngoái đạt 377 tỷ đồng trong khi doanh thu từ hoạt động môi giới (trụ cột thứ hai) dự báo giảm khoảng 27% xuống còn 212 tỷ đồng. 

Hai mảng doanh thu được VDSC đánh giá tăng trưởng tích cực nhất là đầu tư (193 tỷ đồng) và ngân hàng đầu tư (65 tỷ đồng), với mức tăng lần lượt 78% và 49% do kỳ vọng tận dụng cơ hội, nhịp phục hồi của thị trường để tăng hiệu quả hoạt động đầu tư cũng như đẩy mạnh hoạt động tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A).

Tương ứng với mức tăng doanh thu, doanh nghiệp dự kiến tiết giảm mạnh chi phí (giảm gần 40% so với năm ngoái) xuống chỉ còn 619 tỷ đồng, qua đó đi đến mục tiêu lãi ròng 217 tỷ đồng so với mức lỗ 115 tỷ đồng của năm ngoái.

Cũng đặt kế hoạch kinh doanh lạc quan, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) gây bất ngờ khi kỳ vọng tổng doanh thu năm nay đạt 788 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 145 tỷ đồng và lãi sau thuế 116 tỷ đồng. Con số lãi ròng này ước tính tăng gần gấp 2 lần kết quả ước đạt năm 2022 là hơn 61 tỷ.

Dự báo thanh khoản vẫn kẹt, một số CTCK giảm tốc kế hoạch kinh doanh

Ở chiều ngược lại, trong thời gian qua, cũng có nhiều công ty chứng khoán công bố kế hoạch kinh doanh giảm tốc trong năm nay do kỳ vọng thị trường tiếp tục đối diện nhiều thách thức và thanh khoản không nhanh chóng cải thiện. 

Chẳng hạn, CTCP Chứng khoán FPT (FTS) đề ra mục tiêu tổng doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính năm nay ở mức 770 tỷ đồng, giảm gần 27% so với năm trước. Lãi trước thuế đã thực hiện mục tiêu đạt 420 tỷ đồng, giảm 34%. 

Kế hoạch kinh doanh được BGĐ FTS “cài số lùi” dựa trên dự báo TTCK năm 2023 tiếp tục ghi nhận thanh khoản giảm sút so với năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa, các doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức, ít có thêm cổ phiếu mới niêm yết/ đăng ký giao dịch và cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn.

Trước đó, năm 2022, FTS ghi nhận doanh thu thực hiện 1.048 tỷ đồng, giảm 7,4%; lãi trước thuế gần 442 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2021. Trong đó, lãi trước thuế đã thực hiện ở mức 638 tỷ đồng, giảm hơn 12%.

Tương tự, Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh giảm tốc cho năm 2023 với mục tiêu doanh thu hoạt động 23,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 12 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và gần 1% so với năm 2022. 

Đáng chú ý, CSI đặt mục tiêu doanh thu từ nghiệp vụ tự doanh giảm một nửa chỉ còn 12 tỷ đồng, doanh thu từ môi giới cũng giảm một nửa còn 3,5 tỷ đồng; riêng doanh thu từ hoạt động khác gần như ngang bằng năm ngoái, tức khoảng 8 tỷ đồng.

Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC - VCI) cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023 giảm tốc với chỉ tiêu doanh thu đạt 3.246 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2022 nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, giảm gần 6% so với năm trước. 

Năm 2022, VCSC ghi nhận doanh thu hoạt động 3.156 tỷ đồng, giảm gần 15%. Lãi trước thuế 1.060 tỷ đồng, giảm 43% và chỉ thực hiện được gần 56% kế hoạch lãi cả năm.

Dự báo nhịp vận động của VN-Index đang trong xu hướng khó xác định, chưa thể có uptrend quá sớm

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất ngày 16/3, VN-Index giảm 14,79 điểm, tương đương 1,39% và chốt phiên ở 1.047,4 điểm. Thị trường quay đầu giảm khá mạnh sau thời điểm hưng phấn với thông tin NHNN giảm lãi suất điều hành. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 17/19 ngành giảm điểm, trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành Dầu khí.

Trong ngắn hạn, đa phần các công ty chứng khoán nhìn chung đều chung nhận định rằng VN-Index có thể vẫn phải đối diện thêm nhiều yếu tố tiêu cực, đặc biệt là ảnh hưởng từ các biến động trên thị trường quốc tế.

Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định nhịp vận động của VN-Index hiện đang trong xu hướng khó xác định do ảnh hưởng đan xen và lan tỏa từ: (1) các vụ việc xoay quanh SVB và Credit Suisse và (2) việc cơ cấu ETF như đã đề cập trong báo cáo tuần. Do đó, nhóm phân tích BSC khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch thận trong ngắn hạn cho đến khi xu hướng thị trường rõ ràng hơn.

Tương tự, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng cho rằng xu hướng ngắn hạn của TTCK Việt Nam vẫn duy trì ở mức giảm trong bối cảnh sự kiện rủi ro từ TTCK thế giới đang khiến tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng trở lại và độ rông thị trường cũng đang có xu hướng thu hẹp trở lại. Trong bối cảnh đó, dòng tiền sẽ thường tìm kiếm cơ hội ở từng cổ phiếu riêng biệt.

Trong trung hạn, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường vẫn đang trong xu hướng biến động hẹp dần tích lũy cạn kiệt. 

“Nhìn trên biểu đồ có thể thấy các đỉnh và đáy của các sóng gần đây có xu hướng thu hẹp biên độ, biến động của VN-Index trong khoảng 1 tháng trở lại đây chỉ dao động quanh 1.020 điểm – 1.059 điểm. Về mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay đang khá hấp dẫn sau thời gian thị trường giảm sâu. Về vĩ mô, các thông số gần đây cho thấy các NHTM đang có xu hướng giảm lãi suất (đặc biệt sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành) và lạm phát có xu hướng giảm, tuy nhiên rủi ro thanh khoản từ thị trường trái phiếu đang ở mức cao. Tình hĩnh vĩ mô-tài chính toàn cầu cũng có những thông tin tích cực và rủi ro đan xen”, SHS nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, nhóm phân tích cho rằng việc thị trường chứng khoán đi vào trạng thái tích lũy là phù hợp, thị trường chưa thể có uptrend sớm.