Đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho TPHCM và các tỉnh phía nam: Bà con đừng lo!
Đảm bảo hàng hóa thiết yếu
Tối 17.7, Bộ Y tế thông báo có 1.612 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, 1.600 ca ghi nhận trong nước tại 25 tỉnh, thành; riêng TP.HCM có 1.017 ca. Hôm nay, cả nước có 3.705 ca trong nước tại 31 tỉnh, thành.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống, đảm bảo đủ hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu người dân.
Khẳng định này được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra ngày 17/7, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7.
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng với kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh,TPHCM, Chính phủ và các bộ ngành luôn cố gắng hết sức bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân.
"Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương. Bộ Công Thương làm hết sức mình để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân", ông nhấn mạnh.
Theo ông Hải, Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với TP HCM và các tỉnh, thành khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16 và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.
"Chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Song người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Bộ Công Thương hôm nay cũng lập Tổ tiền phương gồm 27 thành viên, do lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường làm tổ trưởng, đại diện các vụ, cục, vào TP HCM và các tỉnh phía Nam, nắm bắt tình hình, điều tiết, kết nối cung cầu hàng hoá cho các vùng phong toả vì dịch.
Chiều 17-7, ông Trần Song Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP - cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng 5 tàu cao tốc để vận chuyển lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu đến TP.HCM.
Dự kiến ngày 19-7 hoặc nếu thủ tục xong sớm hơn, thì từ ngày mai (18-7) các tàu cao tốc sẽ bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi TP.HCM và ngược lại.
Theo ông Hải, mỗi chuyến tàu chở 20 tấn hàng, nếu cần hơn công ty sẽ xin đơn vị đăng kiểm chở thêm. Mỗi ngày, một tàu có thể vận hành được 2 chuyến, tức tổng cộng vận chuyển khoảng 200 tấn/ngày/chiều.
Dự kiến quá trình vận chuyển từ Tiền Giang, Bến Tre về TP.HCM sẽ mất khoảng 1,5 - 2 giờ. Các nhân viên trên tàu đã tiêm vắc xin và test COVID-19, tàu được vệ sinh khử khuẩn.
Ông Hải cho biết hàng hóa thiết yếu sẽ được chở theo sự điều phối toàn bộ của Sở Công thương và Sở Giao thông vận tải TP. Hai đầu bến sẽ có đội cách ly thực hiện xếp dỡ hàng hóa.
Rút kinh nghiệm từ hoạt động điều phối giao thông liên tỉnh thời gian qua có tắc nghẽn cục bộ, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa tại TPHCM và một số tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe vận tải hàng hóa được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch.
Sẵn sàng cách chức cán bộ không thực hiện đúng chỉ đạo chống dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, Bộ Y tế đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, chủ động phối hợp với các các địa phương, các đơn vị chăm sóc sức khỏe chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Khi dịch xảy ra, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, cùng các địa phương chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, sinh phẩm cho truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và các công tác khác cho phòng, chống dịch thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men và các sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa.
Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, đồng chí vừa nhận được một clip ghi lại cảnh khi có người đến phát thực phẩm thì nhiều người ào đến nhận, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc này, theo đồng chí là khó quản lý nhưng không có nghĩa là không quản lý được.
Do vậy, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo cần tăng cường kiểm tra, phân công, phát huy lực lượng tại chỗ, nếu có hoạt động gì thì phải có kế hoạch cụ thể. Nếu không, các chuỗi lây nhiễm cứ phát triển, TPHCM khó kết thúc (giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng - PV) theo thời gian đề ra. Qua kiểm tra phát hiện nơi nào thực hiện không nghiêm, không chấp hành chỉ đạo của cấp trên thì phải xử lý nghiêm khắc như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
“Cách chức và đề nghị cách chức những đồng chí không thực hiện đúng chỉ đạo phòng chống dịch, để tình hình chấp hành phải nghiêm hơn, toàn diện hơn nhất là ở những nơi lây nhiễm nguy cơ cao”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM tập trung hơn nữa cho khâu điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa số ca tử vong.
Nhật Anh (TH)