Đầu năm 2021: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn

20:29 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2021 có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng 1/2020.
 
Cụ thể, cả nước có gần 10,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 nghìn lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.
 
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
 
 
Đầu năm 2021: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn - ảnh 1
Tháng 1/2021, cả nước có gần 10,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng 
 
Nếu tính cả 240 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2021 lên 16.594 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
 
Cũng trong tháng 1/2021, có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, bao gồm: 18.055 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 54,3%; 5.602 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8%; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 29,2%
 
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, hoạt động đầu tư trong tháng 1/2021 tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020.
 
Các công trình mới được bố trí vốn năm 2021 chủ yếu đang trong trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2021 đạt thấp so với kế hoạch năm (5,1%) nhưng tăng cao 24,5% so với cùng kỳ năm 2020 do tháng 1 năm trước trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
 
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2021 ước tính đạt 23.233 tỷ đồng, gồm có: vốn trung ương quản lý đạt 3.045 tỷ đồng, vốn địa phương quản lý đạt 20.188 tỷ đồng.
 
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trong đó: 47 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1,3 tỷ USD; 46 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 0,5 tỷ USD; 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 0,2 tỷ USD.
 
 
Đầu năm 2021: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn - ảnh 2
 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2021 ước tính đạt 23.233 tỷ đồng
 
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần, có 52 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 0,13 tỷ USD và 142 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,09 tỷ USD.
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2021 ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2021 có 1 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam sang Trung Quốc vào ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 3,2 triệu USD, không có lượt dự án điều chỉnh vốn, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Tháng 1/2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước.
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 1/2021 tăng 0,27% so với tháng 12/2020 và tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước.
 
 Tuy nhiên, cũng trong tháng đầu năm 2021, có hơn 25.750 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản đã vượt 2,5 lần số thành lập mới, theo thống kê mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Tổng cục Thống kê.
 
Cụ thể, hơn 25.750 doanh nghiệp doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng trên 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 18.750 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chiếm hơn 70%; 5.602 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
 
Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 là 18.055 doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trong tháng 1/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 5.602 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 38,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11,6%); Xây dựng (chiếm 9,4%).
 
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 1/2021 là 2.095 doanh nghiệp, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Theo Bộ KH&ĐT, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.
 
Minh Hoa