Đầu tư ra nước ngoài thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

17:09 | 15/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, măm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 376,1 triệu USD; có 35 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 56 triệu USD.

Cụ thể, trong năm 2018, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đầu tư tại 38 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó đầu tư sang Lào chiếm tỉ trọng lớn nhất với 81,5 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Australia với 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% và Hoa Kỳ với 53 triệu USD, chiếm 12,3%.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trải qua hơn 30 năm hội nhập và phát triển, Việt Nam hiện nay không chỉ là một nước tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực mà còn vươn lên trở thành nước có nhiều DN, dự án đầu tư ra nước ngoài. Trong các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ các DN của Việt Nam, hai nước láng giềng là Lào và Campuchia có số lượng dự án và tổng số vốn cam kết đầu tư lớn nhất. Các lĩnh vực chủ yếu mà DN Việt Nam đầu tư sang Lào và Campuchia là trồng và khai thác cây công nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, năng lượng và viễn thông.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì các DN phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động lớn.

Đầu tư ra nước ngoài thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro - ảnh 1
Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày một tăng cao.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết: dù hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam tương đối thuận lợi, song những câu chuyện thực tế cho thấy rủi ro có thể xảy ra đối với bất kỳ DN nào có hoạt động đầu tư vượt ra ngoài biên giới quốc gia, do các thiếu hụt thông tin về thị trường, pháp lý, phong tục tập quán… Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là ngành kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bà Phượng cũng cho biết thêm, cách đây vài năm, có 3 nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng nhà máy sản xuất đường ở Campuchia, 90% sản lượng được xuất khẩu sang EU theo cơ chế ưu đãi thương mại một chiều dành cho các quốc gia đang phát triển không bị áp hạn ngạch, giá sàn cao hơn mặt bằng chung, nhưng phải đảm bảo vấn đề môi trường, nhân quyền. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu EU đã chấm dứt hợp đồng sau khi biết quá trình xây dựng nhà máy nảy sinh vấn đề cưỡng chế đất đai, không có được sự đồng thuận với người dân, họ đã tiến hành khởi kiện công ty ở châu Âu về hành vi nhập khẩu hàng hoá được sản xuất dựa trên các chính sách vi phạm nhân quyền. Ngay cả khi chuyển hướng sang thị trường Mỹ, các nhà sản xuất ở châu Âu vẫn tiếp tục kết nối với các công ty nhập khẩu của Mỹ để tố cáo hành vi sai phạm của DN ở Campuchia, chấm dứt hoàn toàn khả năng tìm kiếm thị trường của các nhà sản xuất này.
Còn theo đại diện DN đang có dự án đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Đăk Lăk chia sẻ, khi đầu tư ra nước ngoài, ngoài những khó khăn về khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, DN còn gặp khó khi không hiểu hết những quy định pháp lý của nước sở tại và những quy định theo công ước quốc tế, trong khi đó việc tìm kiếm một đơn vị tư vấn, đồng hành phù hợp lại rất khó khăn. Chính từ những nguyên nhân trên, nhiều DN cho rằng, họ rất cần những công cụ hướng dẫn, những cầu nối để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, bản thân các DN khi  thực hiện đầu tư ra nước ngoài cần phải ý thức hơn về trách nhiệm tìm hiểu chính sách đầu tư của Việt Nam, những cơ chế của nước sở tại. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn còn mới và ý thức của DN về vấn đề tìm kiếm thông tin cũng chưa thực sự nhiều.
Bên cạnh đó, đầu tư quốc tế đòi hỏi DN phải  có kinh nghiệm và nắm thông tin cụ thể về các chính sách pháp luật, nếu không có sự bài bản và nghiên cứu kỹ thì những rủi ro có thể xảy ra. Do đó, DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Đồng thời, để có thị phần lớn hơn trong "sân chơi" quốc tế, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, mỗi DN cần chủ động  nhận diện rõ rủi ro mà mình sẽ phải đối mặt, qua đó có phương án phòng ngừa cụ thể.
Ngoài ra, ông Chung cũng nhấn mạnh, các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đều có trách nhiệm hỗ trợ cho các nhà đầu tư về chính sách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc mà họ gặp phải. Do đó, để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư ở nước sở tại, DN cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan này.