Đầu tư vào khoa học, công nghệ sẽ đưa Việt Nam thành 'con hổ châu Á'
Sáng 15/5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học - Công nghệ đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Liên minh Đổi mới sáng tạo phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.”
Hội nghị nhằm làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể cho Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sáng tạo phải từ con người và vì con người. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập mà chúng ta phải chủ động khắc phục. Trước hết là nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực cho phát triển khoa học và công nghệ...
"Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; rất thiếu sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia," Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ trở thành đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ các vấn đề lớn gồm: Đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học, công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp và đệ trình các chính sách cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ, đổi mới để đưa khoa học công nghệ không chỉ gắn mà thực sự đồng hành thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về Khoa học và Công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam...
Bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO) thì nhận định, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đối số. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp thách thức về biến đổi khí hậu, sự chậm lại của năng suất lao động, nguồn lực cần thiết.
Để trở thành “con hổ châu Á,” đạt được mức thu nhập cao, theo bà Lucy Cameron, Việt Nam cần tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu; tăng trưởng nhanh, toàn diện; bắt kịp về công nghệ và ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất; hệ thống chính sách ổn định và đáng tin cậy; đầu tư cao cho y tế - giáo dục; quản lý tốt kinh tế vĩ mô - tỷ lệ nợ nước ngoài, lạm phát ở mức thấp, các chỉ số vĩ mô khác cũng ở mức ổn định..