Đề nghị gia nhập CPTPP, Anh sẽ cùng các đối tác như Việt Nam hiện thực hóa vấn đề kinh tế

22:31 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính thức đề nghị gia nhập CPTPP, Anh sẽ cùng với các đối tác đồng chí hướng như Việt Nam để hiện thực hóa các vấn đề kinh tế thông qua thương mại tự do.
Hai ngày sau khi phát đi tín hiệu, nước Anh hôm qua (1/2) chính thức đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đề nghị của Anh đã nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ dư luận.
 
Đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng phụ trách đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.
 
Đề nghị của Anh diễn ra vào thời điểm kỷ niệm một năm ngày nước này chính thức rời Liên minh châu Âu, sau 47 năm gắn bó. Hiện nước Anh đang phải thích ứng với các điều khoản thương mại mới với Liên minh châu Âu, với việc áp dụng một thỏa thuận thương mại mà trong nhiều trường hợp khiến việc xuất khẩu sang khối này phức tạp và đắt đỏ hơn. Việc tham gia hiệp định được cho sẽ mang lại việc làm, hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu và đưa nước Anh vào vị trí trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss nhấn mạnh: “Đây là một cơ hội lớn đối với chúng tôi. Thật tuyệt vời. Không giống như Liên minh châu Âu, tham gia hiệp định CPTPP không có quá nhiều ràng buộc. Không có việc kiểm soát biên giới, không phải chi quá nhiều ngân sách trong khi tham gia hiệp định sẽ giúp mức thuế quan giảm mạnh và cơ hội kinh doanh cũng như việc làm cho nước Anh tăng cao. Đây cũng là cơ hội lớn để Anh tiếp cận các thị trường tăng trưởng nhất thế giới".
 
 
Đề nghị gia nhập CPTPP, Anh sẽ cùng các đối tác như Việt Nam hiện thực hóa vấn đề kinh tế - ảnh 1
  Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss 
 
Nhật Bản, nước Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021, và New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu gia nhập với tư cách là cơ quan lưu chiểu cho hiệp định thương mại này đã ngay lập tức hoan nghênh động thái này của Anh, xem đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy định thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao.
 
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor nhấn mạnh: “New Zealand coi mục tiêu của CPTPP là duy trì và thúc đẩy hoạt động thương mại cởi mở dựa trên các quy tắc thị trường. Chúng tôi tin tưởng CPTPP có thể mang lại vai trò lãnh đạo trong khu vực của chúng ta và hơn thế nữa, hiệp định này còn thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và thương mại thời hậu COVID. Việc Vương quốc Anh tham gia CPTPP càng cho thấy tầm quan trọng của Hiệp định. New Zealand luôn ủng hộ mở rộng thành viên CPTPP đối với các quốc gia sẵn sàng đáp ứng quy định của thỏa thuận. Do đó, chúng tôi nồng nhiệt chào đón Anh tham gia hiệp định này".      
 
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực từ năm 2018, gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% GDP toàn cầu.
 
Dự kiến, sau khi Hội đồng CPTPP đồng ý bắt đầu quá trình đàm phán về việc Anh gia nhập, một nhóm công tác cấp chuyên viên sẽ được thành lập để tiến hành đàm phán. Trong quá trình đàm phán, Anh cần chứng minh rằng có thể tuân thủ các quy định của CPTPP, đồng thời phải đàm phán về thuế quan với các từng nước trong số 11 thành viên.
 
Có thể khẳng định, việc gia nhập CPTPP được cho là rất quan trọng đối với nước Anh bởi sẽ giúp nước này loại bỏ các loại thuế đối với thực phẩm, đồ uống và xe hơi, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
 
Trước đó, vào trung tuần tháng 12/2020, tại Việt Nam, trong buổi lễ ký kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh (Hiệp định UKVFTA đã có hiệu lực từ đầu năm nay), Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh, Elizabeth Truss khẳng định, việc gia nhập CPTPP sẽ ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ của Vương quốc Anh với Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện để hai nước tăng cường mối quan hệ với 11 nền kinh tế năng động trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mang lại nhiều cơ hội cho Vương quốc Anh, cho nền kinh tế cũng như người dân Anh.
 
 
Đề nghị gia nhập CPTPP, Anh sẽ cùng các đối tác như Việt Nam hiện thực hóa vấn đề kinh tế - ảnh 2
Việc gia nhập CPTPP sẽ ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ của Vương quốc Anh với Việt Nam
 
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh, Elizabeth Truss đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc Anh gia nhập CPTPP: "Vương Quốc Anh rất vui mừng khi thời gian qua Việt Nam đã có sự ủng hộ rất mạnh mẽ việc Anh tham gia vào khu vực mậu dịch tự do rất quan trọng như CPTPP. Và, trong thời đại ngày nay khi 1 số quốc gia có xu hướng bảo hộ mậu dịch thì chúng ta cùng nhau tiếp tục cam kết thương mại tự do. Anh sẽ cùng với các đối tác đồng chí hướng như Việt Nam để hiện thực hóa các vấn đề kinh tế thông qua thương mại tự do đem lại nhiều hứa hẹn đặc biệt trong bối cảnh phục hồi từ COVID-19."
 
Hiện nay, quan hệ thương mại Việt - Anh tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ. Hiệp FTA mới vẫn sẽ giữ nguyên giữ nguyên lợi ích song phương trong EVFTA.
 
Theo đó, 99% thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan, bao gồm thuế đối với máy móc thiết bị và dụng cụ cơ khí - các sản phẩm đứng đầu trong danh mục hàng hóa Anh xuất khẩu sang Việt Nam và dược phẩm – đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu. Từ năm 2010 đến năm 2019, thương mại song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, lên tới 5,7 tỷ Bảng Anh và sẽ ngày càng được nâng cao khi thuế xuất nhập khẩu được xóa bỏ.
 
Với FTA Việt - Anh, các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Anh như quần áo, vải và giầy dép.
 
Các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận với các ngành dịch vụ của Việt Nam như dịch vụ kiến trúc; về thương mại điện tử, hiệp định sẽ cấm thuế hải quan về truyền dẫn điện tử; về dịch vụ tài chính, các nhà đầu tư Anh sẽ vẫn có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn và dịch vụ phụ trợ.
 
Minh Hoa