Doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật số thường đạt kết quả vượt trội
(DNVN) - Các tổ chức có tích hợp vấn đề an ninh mạng vào các sáng kiến kỹ thuật số phục vụ mục đích kinh doanh thường sẽ đạt được kết quả tốt hơn và vượt trội so với các tổ chức khác. Đây là nhận định từ cuộc Khảo sát Niềm tin Kỹ thuật số (Digital Trust Insights) do PwC mới công bố vào tháng 5 năm 2019.
Cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 3.000 giám đốc điều hành và các chuyên gia CNTT trên toàn thế giới đã xác định ra một nhóm những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường gọi là những “người tiên phong”, chiếm 25% số người trả lời. Họ không chỉ dẫn đầu về an ninh mạng mà còn mang lại nhiều giá trị hơn và có kết quả kinh doanh tốt hơn các doanh nghiệp khác.
Nhiều doanh nghiệp tiên phong cho biết tăng trưởng doanh thu là giá trị hàng đầu mà họ nhận được từ các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số. Gần 90% những doanh nghiệp này cũng cho biết rằng lợi ích mà họ nhận được đã đạt hoặc vượt mong đợi của họ (tỷ lệ này trong nhóm không tiên phong là 66%).
Những người tiên phong cũng lạc quan hơn nhiều về tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty họ. Cụ thể, 57% dự kiến doanh thu sẽ tăng từ 5% trở lên, và 53% kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng từ 5% trở lên.
Cuộc khảo sát đã tiết lộ đặc điểm của những doanh nghiệp tiên phong. Nhiều trong số họ là những công ty lớn. Cụ thể, 38% những người đến từ các công ty trị giá ít nhất 1 tỷ USD là thuộc nhóm người tiên phong. Đại diện các ngành dịch vụ tài chính và ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông cũng xuất hiện rất nhiều trong nhóm dẫn đầu này: 33% số doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính và 30% doanh nghiệp trong ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông là doanh nghiệp tiên phong. Tỷ lệ này trong các ngành khác chỉ là khoảng 1/4.
Xét về mặt địa lý, chỉ có 21% các doanh nghiệp ở khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) là người tiên phong, so với 30% ở châu Mỹ và 30% ở châu Á-Thái Bình Dương.
Những cách thức hành động hàng đầu khiến những người tiên phong trở nên khác biệt, đó là: họ biết cách cân đối giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược an ninh mạng; họ áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro; và họ điều phối hiệu quả các bộ phận phụ trách quản lý rủi ro. Các số liệu từ Khảo sát Niềm tin Kỹ thuật số của PwC minh họa cho cả ba lĩnh vực này như sau:
Kết nối về chiến lược: 65% những người tiên phong ủng hộ mạnh mẽ đội ngũ an ninh mạng của họ được tích hợp vào doanh nghiệp, tham gia thảo luận chiến lược kinh doanh và đưa ra chiến lược an ninh mạng hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh (tỷ lệ này trong nhóm không tiên phong là 15%)
Kết nối về cách tiếp cận dựa trên rủi ro: 89% những người tiên phong cho biết đội ngũ an ninh mạng của họ luôn tham gia vào việc quản lý những rủi ro thường có trong các hoạt động chuyển đổi doanh nghiệp hoặc các sáng kiến kỹ thuật số (tỷ lệ này trong nhóm không tiên phong là 41%)
Phối hợp trong thực thi: 77% những người tiên phong cho biết đội ngũ an ninh mạng của họ tương tác đầy đủ với các lãnh đạo cấp cao để hiểu rõ hơn về khẩu vị rủi ro của doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh doanh cốt lõi (tỷ lệ này trong nhóm không tiên phong là 22%).
“Bằng cách tập trung vào việc xây dựng niềm tin kỹ thuật số, những doanh nghiệp tiên phong đang đưa ra những hành động chủ động và phản ứng nhanh hơn để tích hợp các chiến lược này vào doanh nghiệp, trái ngược với các tổ chức khác chỉ tìm cách giảm thiểu tác động của các mối đe dọa an ninh mạng lên hoạt động của họ một cách thụ động,” ông TR Kane, Lãnh đạo Tư vấn Chiến lược, Chuyển đổi & Rủi ro của PwC Hoa Kỳ cho biết.
Hơn 8 trên 10 người tiên phong cho biết họ đã từng lường trước được một rủi ro an ninh mạng mới khi triển khai các dự án kỹ thuật số, và họ đã xử lý rủi ro đó trước khi nó ảnh hưởng đến các đối tác hoặc khách hàng của họ (tỷ lệ này trong nhóm không tiên phong là 6 trên 10 người).
“Các tổ chức có cách tiếp cận chủ động đối với an ninh mạng và gắn nó vào mọi hành động của công ty sẽ khai thác được tốt nhất những lợi thế của việc chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như quản lý được tốt các rủi ro liên quan và tạo dựng niềm tin,” ông Grant Waterfall, Lãnh đạo Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật khu vực EMEA của PwC Vương quốc Anh cho biết.
“Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng các tổ chức cần gắn kết đội ngũ an ninh mạng của họ vào doanh nghiệp để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược. Đội ngũ an ninh mạng không chỉ là để bảo vệ tài sản. Họ cần là một đối tác chiến lược trong tổ chức,” ông Paul O’Rourke, Lãnh đạo Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của PwC Australia chia sẻ thêm.