Doanh nghiệp chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu
(DNVN) - Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhận thức về biến đổi khí hậu của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng.
Nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu của nhiều doanh nghiệp và quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững:Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp” vào sáng 18/6.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do nước ta có bờ biển dài và nhiều khu vực ven biển có bình độ thấp. Trước hết phải kể đến là đồng bằng sông Cửu Long - một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Theo tính toán dự báo của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thời gian qua, chủ trương, chính sách của Chính phủ về BĐKH cũng đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Đình nhấn mạnh, nhận thức về BĐKH của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Phát triển và quan hệ đối tác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Hiện nay hành động ứng phó với sự BĐKH của doanh nghiệp là chưa đủ. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Chính phủ chưa đủ mạnh mẽ để doanh nghiệp triển khai các kế hoạch ứng phó với những sự biến động đó.
Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiêu thụ trong sản xuất và kinh doanh; chuyển đổi dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường; kiểm soát hạn chế chất thải, phát thải; kiểm soát hạn chế chất thải, phát thải; tham gia chia sẻ, đóng góp cho các sáng kiến chung. Cùng với đó, Chính phủ nên tăng cường giám sát thực thi luật pháp môi trường của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hợp lý và các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện khung chính sách nhằm thực hiện các mô hình kinh tế mới.
Chia sẻ kinh nghiệm của một đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh tác động đến môi trường rất lớn, bà Đỗ Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Ban Công nghệ An toàn Môi trường (Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN) cho biết: Để giảm thiểu tác động đến môi trường PVN đã chủ động xây dựng các văn bản, quy định liên quan đến BĐKH, chính sách khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đơn vị PVN vào các hoạt động thích ứng và giảm thiểu BĐKH; tính toán hạn mức phát thải Carbon nhằm tiến tới việc xây dựng và kinh doanh tín chỉ carbon tại các đơn vị sản xuất trong PVN; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro từ BĐKH đối với các hoạt động của PVN.
Đồng thời, tập đoàn cũng rà soát tích hợp và lồng ghép vấn đề BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; hệ thống cơ chế, chính sách, quy định, hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường của PVN. Ngoài ra, PVN còn tăng cường hợp tác, tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế về vốn, kinh nghiệm và công nghệ trong việc giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trên các lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động dầu khí, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; xây dựng hướng dẫn tiếp cận vay vốn cho các dự án Carbon thấp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về BĐKH đối với các hoạt động của PVN; tăng cường đầu tư hệ thống y tế tại cơ sở làm việc; cung cấp dịch vụ y tế thường trực tại những điểm nhạy cảm, nhiệt độ cao, ẩm thấp, dễ phát sinh bệnh truyền nhiễm và dị ứng.