Doanh nghiệp cung ứng đủ nguồn hàng, mặt bằng giá cả ổn định

Dương Hương Tùng - Mỹ Phương (TTXVN) 07:30 | 08/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tình hình giá cả thị trường, lạm phát trong nước đang được kiểm soát tốt theo mục tiêu cho thấy Chính phủ đã và đang quản lý, điều hành giá đúng hướng trên cơ sở kinh nghiệm kiểm soát lạm phát qua các năm.

Khu vực bày bán sản phẩm trái cây vùng miền tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Cùng đó, nỗ lực vào cuộc của cả Chính phủ và doanh nghiệp, người dân trong việc phục hồi kinh tế, nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo giúp ổn định mặt bằng giá, đồng thời có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực trong bối cảnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, điều chỉnh trợ cấp xã hội… Dẫu vậy, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng không thể chủ quan và cần có những giải pháp chủ động trong bình ổn giá.

Về thị trường trong nước, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 6/2024, thị trường hàng hóa không có biến động lớn, nhu cầu tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ làm mát. Nguồn cung các mặt hàng luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, một số mặt hàng có lượng xuất, nhập khẩu lớn với thị trường nước ngoài, giá biến động theo giá thế giới. Đây cũng là thời điểm cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.

Từ quý II, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng. Tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến, các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới. Trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao như: Quảng Ninh tăng 9,5%; Hải Phòng tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%.

Đối với việc cung ứng hàng hóa trên thị trường, phóng viên TTXVN cũng ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp, nhà bán lẻ về diễn biến giá cả trên thị trường và giải pháp bình ổn giá hàng hóa, cũng như chia sẻ với người tiêu dùng.

Cụ thể, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản VISSAN cho biết, mặc dù có nhiều dự báo cho thấy thị trường tiêu dùng đang trên đà phục hồi tích cực, nhưng về phía doanh nghiệp sản xuất nhận diện vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong kích cầu tiêu dùng đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) từ đây đến cuối năm. Tại TP Hồ Chí Minh, không chỉ những mặt hàng tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2024 - 2025, mà ngay cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác đều được doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nỗ lực bình ổn giá từ đầu năm 2024 đến nay.

Trong bố cảnh, giá nguyên vật liệu đầu vào liên tục được điều chỉnh giá tăng, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu, mà sức mua trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp thì đòi hỏi doanh nghiệp nói chung và VISSAN nói riêng phải giải bài toán bình ổn giá. Điển hình, để sẵn sàng đa dạng kịch bản thích ứng với đợt tăng lương cơ sở từ 1/7/2024, VISSAN đã làm việc với hầu hết nhà cung ứng đầu vào để chung tay đưa ra những giải pháp bình ổn giá và chia sẻ lợi nhuận để đảm bảo bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh chính thức được tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) còn 8% theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành theo Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá và mang lại giá tốt cho người tiêu dùng.

Cùng đó, VISSAN liên tục phối hợp với nhà phân phối, nhà bán lẻ… triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng luân phiên và áp dụng phong phú chủng loại sản phẩm. Đồng thời, VISSAN giữ vững cam kết cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng… nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường thực phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.

Liên quan đến tác động đợt tăng lương cơ sở từ 1/7/2024, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động hệ thống siêu thị Co.opmart, thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, mặc dù đối tượng được áp dụng là bộ phận công chức, viên chức… nhưng nên nhìn nhận ở khía cạnh là tín hiệu tích cực đối với thị trường. Bởi nếu trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương tăng lương, còn những năm trở lại đây việc này không bị tác động nhiều nhờ những chính sách kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà phân phối, bán lẻ, vẫn cần tiến hành đồng thời tăng nguồn cung hàng hóa bảo đảm chuỗi cung ứng để thích ứng kịp thời diễn biến thị trường và bình ổn giá cả hàng hóa tại điểm bán lẻ. Ghi nhận thực tế, tính đến thời điểm hiện tại thì giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 1/7/2024. Đặc biệt, là một nhà phân phối, bán lẻ lớn nên Saigon Co.op luôn có kế hoạch dài hạn về nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các đối tác kinh doanh... từ đó giá cả hàng hóa được đảm bảo ổn định trong dài hạn.

Saigon Co.op cũng tăng cường thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường để đảm bảo giá cả tốt nhất với hàng hóa chất lượng cho người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua sắm, Saigon Co.op luôn chủ động phối hợp các nhà cung cấp liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán trên toàn quốc. Cụ thể, tại hệ thống bán lẻ, gồm: Co.opmart, Co.opxtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife… và trên website mua sắm trực tuyến Co.op Online thường xuyên giảm giá sâu lên đến 50% áp dụng chủ yếu cho 5 ngành hàng, gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hoá phẩm, đồ dùng và may mặc.

Mặc dù vậy, theo nhận định của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau khi đã bước đầu được thực hiện trong năm 2023, nhưng với mức độ ít, mang tính “kiềm chế”; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; giá gạo trong nước sẽ tăng theo giá gạo xuất khẩu khi các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu; giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

Cùng đó, chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024; tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô-la Mỹ tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước; các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý; rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu tại những địa phương bị ảnh hưởng…

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô…

Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; đồng thời phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng việc cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định, đồng thời xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng…

Dương Hương Tùng - Mỹ Phương (TTXVN)