Doanh nghiệp hiến kế giải pháp phát triển TTCK

18:37 | 23/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 vừa được tổ chức, rất nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cụ thể và thiết thực đã được các đại diện doanh nghiệp, các thành viên thị trường chứng khoán đưa ra.
Doanh nghiệp hiến kế  giải pháp phát triển TTCK - ảnh 1Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietjet chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: DNVN/Đức Tân.
 Ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn

Theo ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietjet, TTCK Việt Nam đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả, việc tham gia thị trường chứng khoán đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp, thanh khoản và minh bạch thông tin đối với cổ đông.

Trong đó, cổ phiếu VJC của Vietjet đã thu hút được dòng vốn ngoại, được đưa vào danh mục VN30, chính là kết quả của việc thông tin minh bạch, tuân thủ các quy định về công bố thông tin, kết quả kinh doanh tốt cũng như hàng loạt các tiêu chí chặt chẽ khác về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ freefloat…

Kể từ khi Vietjet thực hiện IPO và giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ đầu năm 2017, giá trị vốn hóa hiện nay của công ty đạt hơn 66.000 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD).

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự thành công vượt bậc của Vietjet với doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính tăng tới 49% đạt 112% kế hoạch, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất thâp, chỉ 0,04 lần, công ty tiếp tục nằm trong nhóm các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất với số thuế phí thu nộp ngân sách năm 2018 lên đến 6.192 tỷ đồng, tổng doanh thu 52.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt gần 14.000 tỷ đồng tăng 31,4% so với năm 2017, Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 37,6 %. Tỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức hấp dẫn 11,5%.

Giá trị vốn hóa của Vietjet đạt được là nhờ vào những thông tin minh bạch mà Vietjet công bố ra thị trường với sự đảm bảo từ kiểm toán quốc tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm cùng với đó là tỷ lệ chia cổ tức cao đem lại lợi ích lớn cho cổ đông.

Hành trình gần hai năm của Vietjet với HOSE đã mở ra những cơ hội mới cho không chỉ Vietjet trong việc tiếp cận nhà đầu tư mà cả hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần xây dựng thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, hiệu quả, sự hào hứng cho nhà đầu tư.

Đại diện Vietjet mong muốn đa dạng hóa số lượng cổ phiếu trên thị trường, đẩy mạnh tiếp công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

“Việc đa dạng hóa thêm các sản phẩm chứng khoán là cần thiết, ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn”, ông Nam nói.

Đồng thời đại diện Vietjet cho rằng, thời gian cổ phiếu về tài khoản T+3 hiện vẫn còn khá dài, nhà đầu tư không được phép bán trước khi chứng khoán về tài khoản, điều này làm ảnh hưởng sự hấp dẫn của chứng khoán cơ sở với chứng khoán phái sinh.

UBCKNN và Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam cần xem xét sớm triển khai việc giảm bớt thời gian cổ phiếu về tài khoản để gia tăng tính thanh khoản cho thị trường, hấp dẫn nhà đầu tư.

Xây dựng thể chế để tạo kênh cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng

Là người đồng hành với TTCK từ khi ra đời 18 năm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI một lần nữa khẳng định TTCK là một trong những kênh huy động vốn quan trọng nhất và sự quan tâm của chính phủ là động lực rất lớn cho những người tham gia TTCK hành động.

Để huy động vốn, theo ông Hưng, thị trường phải minh bạch và nhà đầu tư phải có niềm tin và quyền lợi khi tham gia: “Nếu chúng ta coi TTCK là một kênh song song với ngân hàng thì chúng ta phải xây dựng thể chế để làm sao đó là kênh cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Nếu chỉ nghĩ chúng ta dựa vào ngân hàng thì không thể phát triển được”.

Doanh nghiệp hiến kế  giải pháp phát triển TTCK - ảnh 2
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: DNVN/Đức Tân.
Theo ông Hưng, toàn bộ phần trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 100 nghìn tỷ, tập trung chủ yếu vào một số doanh nghiệp như Masan, Vin, Hoàng Anh Gia Lai. Tất cả những người giữ trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là ngân hàng.

Một thực trạng đáng nói là, người tham gia TTCK đang hình thành một thị trường để nhà đầu tư nhìn thấy đây là nơi mua vào rút ra nhanh với mục đích  kiếm tiền, sau đó chuyển sang lĩnh vực khác. Cách làm này chưa tạo thành niềm tin để các nhà đầu tư nhìn nhận rằng đây là nơi đầu tư, giữ tiền, giữ tài sản.

Các doanh nghiệp Việt cũng chưa đồng hành thực sự với nhà đầu tư, chưa coi nhà đầu tư là ông chủ thực sự. Có không ít thương vụ khi Công ty Chứng khoán SSI ra nước ngoài huy động vốn, nhà đầu tư nói Việt Nam coi  họ như ATM (thích rút tiền của họ lúc nào thì rút). Nếu điều này lan truyền, niềm tin vào TTCK của Việt Nam sẽ bị giảm.

Từ đó, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI kiến nghị, UBCKNN cần đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn. Thậm chí, buộc phải kiểm toán Big Four vào, nếu không các doanh nghiệp sẽ làm bài toán ngược. Họ sẽ tìm cách đáp ứng các nhu cầu của chỉ số đó trên cơ sở định lượng, gây mất niềm tin.

Cùng với đó, việc công bố thông tin phải được thể hiện bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt một cách bắt buộc. Thậm chí, công bố thông tin của các doanh nghiệp, công bố quỹ chỉ số phải được kiểm toán.

Cần để các tổ chức tài chính trung gian được trực tiếp xây dựng các quỹ chỉ số, vì đến bây giờ, các chỉ số uy tín nhất được lưu hành trên thế giới không thuộc sở nào cả. Hãy để cho các tổ chức này trình ra các chỉ số đó để sở hoặc UBCKNN đóng vai trò xét duyệt, chấp nhận hay không chấp nhận nó hình thành. Điều này sẽ mang tính thị trường hơn. Quỹ phải làm sao đi bằng nhu cầu của nhà đầu tư, và các cơ quan kiểm soát các quỹ đó rất dễ vì nhà đầu tư trong và ngoài nước không sợ thua lỗ.

“Cái khó nhất là đừng để những người có quyền kiểm soát vượt trội hơn lấy được tiền của pháp xây được TTCK thực sự cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại. Chuyện đó hoàn toàn làm những người kém hiểu biết hơn bằng những giải pháp không rõ ràng. Chính phủ hãy tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện mơ ước lớn nhất làm xây dựng được TTCK lớn mạnh và minh bạch“, ông Hưng đề xuất.

Đồng bộ hóa các luật về chứng khoán

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dominic Striven, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Dragon Capital cho rằng, Việt Nam cần tự hào với những bước phát triển của thị trường vốn thời gian qua và Việt Nam đang có sức hút đáng kể đối với dòng vốn ngoại.

Quỹ Đầu tư Dragon Capital đặc biệt chú ý và hoan nghênh sự quan tâm rõ nét của Chính phủ đối với ngành chứng khoán và TTCK . Năm 2018 là năm minh chứng sự sáng tạo trong điều hành của ngành, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặt bằng giá trị doanh nghiệp nói chung là phù hợp và chuẩn mực.

“Chúng ta có nghe thông điệp của Chính phủ rằng thành phần tư nhân là không thể thiếu trong thành phần kinh tế. Chính phủ có kế hoạch trình Quốc Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) đúng thời và hết sức phù hợp”, ông Dominic Striven nhận định.

Đồng thời, với tư cách là một ngành quản lý quỹ, đại diện của Quỹ Đầu tư Dragon Capital kiến nghị Chính phủ cần tạo cơ chế thuận lợi hơn để doanh nghiệp không chỉ nhìn vào dòng vốn nước ngoài. Trong việc sửa đổi Luật Đầu tư, Chính phủ nên xem xét lại Điều 23 để tránh phân biệt đối xử với công ty của Việt Nam cần vốn nước ngoài.

Nhu cầu đồng bộ hóa các luật về chứng khoán là hết sức cần thiết để TTCK Việt Nam phát triển.