Doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa gặp khó sau 1/1/2018?

06:38 | 02/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngày 1/1/2018 chính là thời điểm mức thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0% và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định 116/2017 về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ôtô có hiệu lực. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường ô tô cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa đang gặp khó.
Doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa gặp khó sau 1/1/2018? - ảnh 1
 Nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm nhập khẩu.
 “Nước đến chân mới nhảy” buộc phải rời cuộc chơi

Sau thời điểm 1/1, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm nhập khẩu. TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết đã được thông báo từ vài năm nên doanh nghiệp nào chuẩn bị năng lực cạnh tranh tốt sẽ tự tin hội nhập, còn những đơn vị yếu năng lực “nước đến chân mới nhảy” buộc phải rời cuộc chơi.

Đây cũng là bài học thực tế đang diễn ra. Các ông lớn ngành sữa Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk… đã chuẩn bị tốt các chiến lược cạnh tranh nên có điều kiện tốt để bắt đầu thâm nhập thị trường ASEAN. Tuy nhiên, ngành mía đường của Việt Nam, do không chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập, sẽ gặp muôn vàn khó trước đường Thái Lan giá rẻ tràn ngập thị trường thời gian tới. Lĩnh vực ô tô cũng như vậy.

Vừa và nhỏ khó tồn tại

Sự ra đời của Nghị định 116/2017 và Nghị định 125/2017 của Chính phủ nhằm bảo vệ người tiêu dùng và hạn chế ô tô mới, ô tô cũ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp ô tô, hai Nghị định trên buộc họ phải thay đổi rất nhiều về chiến lược kinh doanh, giấy tờ, chứng từ để nhập khẩu xe.

Chỉ có doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới được phép nhập khẩu ôtô: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô theo đúng tiêu chuẩn (có thể đi thuê), doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài, có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất, doanh nghiệp phải cam kết linh kiện, phụ tùng đúng chuẩn xe, phải kiểm tra chất lượng 1 xe trong mọi lô hàng nhập khẩu, bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với ôtô con nhập khẩu đã qua sử dụng, có đủ giấy tờ nhập khẩu.

Ô tô nhập khẩu từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.0L sẽ được áp dụng mức thuế tuyệt đối ở mức 10.000 USD/xe. Mức thuế nhập khẩu hiện nay với dòng xe này là 5.000 USD/chiếc. Với những thay đổi này, giá các dòng xe cỡ nhỏ trang bị động cơ dưới 1.0L nhập về Việt Nam có thể tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

Để được hưởng thuế suất ưu đãi đãi 0%, các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện ô tô từ ASEAN phải cam kết sản xuất, lắp ráp ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định; linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. Điều kiện này, theo giới chuyên gia, tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 4 doanh nghiệp có thể đáp ứng.

Rất khó khăn, đó là ý kiến chung của các doanh nghiệp ô tô vừa và nhỏ khi nói về điều kiện sản xuất kinh doanh của mình sau thời điểm 1/1/2018. Với họ, thị trường ô tô chỉ còn là cuộc chơi của các "ông lớn".

Ông Nguyễn Ngọc Hiên-Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thanh Huyền (một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Hải Phòng, có lịch sử hoạt động gần 20 năm) thẳng thắn: Điều 15, Nghị định 116/2017 quy định điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô tạo ra sự bất bình đẳng, không công bằng cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa gặp khó sau 1/1/2018? - ảnh 2
 Xưởng sửa chữa và dịch vụ của Công ty Kỷ Nguyên
Theo ông Hiên, Nghị định đang đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào đường cùng, nhường chỗ cho doanh nghiệp chính hãng mảng ô tô nhập khẩu. Để có giấy phép kinh doanh nhập khẩu, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Ngay lúc này, doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được.

Hy vọng tạo được một sự bức phá từ Chính phủ khi đánh giá Nghị định 116 ưu ái phát triển ngành ôtô trong nước, nhưng PGS. TS. Phạm Bích San-Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư vấn và phát triển đã phải thừa nhận thực tế: "Chúng ta chưa có một nền sản xuất ôtô trong nước thực sự. Nếu qua công cụ chính sách để hạn chế nhập khẩu, dù chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nền sản xuất nội địa, nhưng thực tế, chúng ta chỉ đang đóng góp cho nước ngoài theo một hình thức khác".

PGS. TS. Phạm Bích San khuyến nghị: Chính sách về ô tô của Chính phủ "nên để cho người tiêu dùng được chủ động lựa chọn hàng hóa tốt hơn, với giá thành rẻ hơn, thay vì điều tiết tiêu dùng thông qua công cụ chính sách".

Minh Hoa (tổng hợp)