Doanh nghiệp Việt vẫn khó tồn tại

12:18 | 11/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong 9 tháng năm 2018 cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể.

2 lập thì 1 tan

Không thể phủ nhận, từ năm 2016 tới nay đã có một số lượng DN thành lập mới một cách mạnh mẽ. Trong đó hàng loạt mô hình DN đã thành công lớn, như: Tiki, Lozi, Cốc Cốc… Để đạt được những thành quả đó cũng là nhờ hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ. Đơn cử như giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ phát triển DN… Những giải pháp này đã trở thành động lực lớn đối với cộng đồng DN.

Doanh nghiệp Việt vẫn khó tồn tại - ảnh 1
Trong 9 tháng qua có 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể.

Tuy nhiên, không phải DN được thành lập nào cũng thành công. Đánh giá về vấn đề này bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng qua là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 62,3%. Tính ra cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có khoảng 7 doanh nghiệp thành lập trước đó rời bỏ thị trường. Điều này có thể khiến mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 của Chính phủ rất khó thành hiện thực, trong khi muốn phát triển kinh tế thì phải dựa vào doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa.

Doanh nghiệp Việt vẫn khó tồn tại - ảnh 2
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực còn nhiều hạn chế và không tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đáng chú ý, liên tục trong bốn năm liền (2014, 2015, 2016 và 2017), khối các doanh nghiệp trong nước liên tục bị lép vế so với khối doanh nghiệp ngoại như doanh nghiệp trong nước triền miên nhập siêu; tỉ trọng trong kim ngạch xuất khẩu giảm dần... Đặc biệt, dù Việt Nam liên tục tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại nhưng cơ hội phần lớn vẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân khiến các DN rút khỏi thị trường ngày một nhiều.

Khó khăn vẫn chồng chất

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng:  Theo thống kê của VEPR, số DN đóng cửa và ngừng hoạt động tiếp tục tăng so với những quý gần đây và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, trong khi đó số DN mới chỉ tăng trưởng với con số rất nhỏ. Một điều đáng lo ngại, việc đóng cửa này thể hiện sự thất bại của các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, Việt Nam ngày càng mở cửa nhiều hơn trong hợp tác ASEAN với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn như việc đồng nhân dân tệ đang mất giá; chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ; việc sản xuất ở Trung Quốc đang gặp nhiều chống đối cũng như bị áp đặt rào cản thương mại từ nhiều nước trên thế giới. Những lý do này đã làm Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển sản xuất sang một số nước khác trong đó có Việt Nam.  Điều đó cũng cho thấy bối cảnh kinh tế mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Doanh nghiệp Việt vẫn khó tồn tại - ảnh 3
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Trước hàng loạt khó khăn đối với con đường thành công của DN, theo bà Phạm Chi Lan thì: Việt Nam không chỉ cần phát triển công nghệ  mà còn có rất nhiều vấn đề khác cần thay đổi  như chính sách về giáo dục và đào tạo, các vấn đề về tài chính. Mặc dù Chính phủ có đưa ra một số chính sách khuyến khích về tài chính nhưng trên thực tế những chính sách này trải ra quá nhiều, quá rộng trên các lĩnh vực khác nhau. Thêm vào đó, quá trình tiếp cận được với ưu đãi tài chính vẫn vô cùng gian nan đối với các DN. Ngoài ra, các nguồn lực khác như đất đai cũng là thách thức đối với DN. Trên thực tế, nhiều DN phải thuê mặt bằng với giá rất cao, nhưng khi  làm thành công thì người cho thuê lại tăng giá, hoặc đòi đất để làm tương tự. Do đó những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho từng DN cần linh động theo mỗi lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xem xét cụ thể những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn để thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn định phát triển.

Mặt khác, các DN nên tránh tư duy dựa dẫm ngay từ đầu vào các chính sách mà nên chủ động phát huy năng lực của mình. Bởi xét cho cùng, việc hỗ trợ từ các chính sách chỉ là một phần rất nhỏ. Dù thời điểm hiện nay Chính phủ đã và đang cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh tốt nhất cho tất cả mọi người nhưng để thành  công ngoài các yếu tố về chính sách mỗi DN cần tự thay đổi và vận động để phát triển liên tục, dài hơi và bền vững, bà Chi Lan nhấn mạnh.