Doanh nhân tư nhân phải là công dân toàn cầu, đủ tâm và tầm để chấn hưng đất nước
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, trên cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hội DNTNVN và cũng là người đồng hành với Hội ngay từ những ngày đầu thành lập, xin ông cho biết suy nghĩ của mình về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong sự chấn hưng kinh tế đất nước?
TS. Ngô Văn Điểm: Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 30 năm sự phát triển của kinh tế tư nhân vào năm 2020. Năm 1992, Nghị quyết Trung ương 5 khoá 9 về kinh tế tư nhân được ban hành và 15 năm sau, chúng ta lại có một Nghị quyết Trung ương 5 khoá 12 mang tính đột phá, với sự khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp một khối lượng rất lớn cho GDP khoảng 40% và tạo phần lớn việc làm cho người lao động. Rất mừng là các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân đang ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế của mình trên thương trường. Một số đã vươn lên khẳng định thương hiệu. Ví dụ như Tập đoàn Vingroup, từ kinh doanh bất động sản, rồi mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, bán lẻ và gần đây nhất là công nghiệp ô tô. Tập đoàn Trường Hải, FLC, PRG, Tân Hoàng Minh, CMC cũng là những doanh nghiệp điển hình như vậy.
Chúng ta có khoảng 60 vạn doanh nghiệp tư nhân và cứ một doanh nghiệp tư nhân là có khoảng 3 doanh nhân đứng ra thành lập, quản lý và chấp nhận rủi ro. Đây là lực lượng đông đảo và đang trong quá trình nỗ lực vươn lên đổi mới, sáng tạo.
Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 chỉ rõ phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, đến năm 2020 khu vực kinh tế tư nhân cần vươn lên đóng góp một nửa GDP, một nửa tổng vốn đầu tư và đặc biệt có 30-35% doanh nghiệp tư nhân là đổi mới sáng tạo, đóng góp nhân tố tổng hợp khoảng 35%, tăng 50% năng suất lao động. Đây là những mục tiêu rất ý nghĩa và là nỗ lực không ngừng của Chính phủ kiến tạo và cộng đồng doanh nhân tư nhân hiện nay.
Theo ông, cộng đồng doanh nhân tư nhân cần phải làm gì để đón nhận được cơ hội cũng như vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
TS. Ngô Văn Điểm: Trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân hiện nay, cũng phải thừa nhận đóng góp của cộng đồng doanh nhân tư nhân vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ chiếm 10% trong số 40% mà kinh tế tư nhân đã đóng góp vào GDP, còn lại 30% là của hộ kinh doanh cá thể. Những hạn chế về công nghệ trung bình, quản trị chưa tốt, thậm chí chưa tuân thủ luật pháp về lao động, về môi trường trong lĩnh vực kinh tế tư nhân hiện nay còn là bất cập cần khắc phục.
Cộng đồng doanh nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải vươn lên để tiếp cận với khoa học, công nghệ, huy động tối đa được nguồn vốn đang tích lũy rất lớn trong dân. Tầm nhìn xa của chúng ta là không chỉ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ mà dài hơn là phải là nền kinh tế tự cường.
Do đó, các doanh nhân tư nhân Việt Nam phải xây dựng cho mình thành một công dân toàn cầu. Đó là thông thạo tiếng Anh, công nghệ thông tin, đủ tâm và tầm để thực hiện nhiệm vụ chấn hưng đất nước.
Thưa ông, ông cảm nhận như thế nào về sức trẻ của cộng đồng doanh nhân trong ngôi nhà chung Hội DNTNVN?
Hội DNTNVN được thành lập theo Quyết định số 192/QĐ-BNV ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Bộ Nội vụ và Quyết định phê duyệt Điều lệ số 797/QĐ-BNV ngày 1 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nội vụ. Hội DNTNVN ra đời chậm hơn so với các hiệp hội xã hội nghề nghiệp khác và điều này cũng gắn liền với sự ra đời chậm hơn của thành phần kinh tế tư nhân so với đầu tư nước ngoài.
Sức trẻ của cộng đồng doanh nhân trong ngôi nhà chung Hội DNTNVN đã và đang phát huy được vai trò đổi mới, sáng tạo. Đó là những doanh nhân đầy khát vọng, đam mê kinh doanh, tiếp cận được công nghệ mới và đặc biệt là tạo được sự kết nối và chia sẻ để đạt được kết quả kinh doanh cao hơn.
Một trong những phương hướng hoạt động quan trọng của Hội DNTNVN trong nhiệm kỳ tới (2018-2023) là đặt vai trò kết nối lên hàng đầu. Muốn kết nối được thì phải tập hợp và tạo ảnh hưởng sâu rộng. Đó không chỉ là kết nối giữa cộng đồng doanh nhân tư nhân với nhau mà còn là kết nối giữa cộng đồng doanh nhân tư nhân với Chính phủ, với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó, vận động chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam là tiếng nói của Hội DNTNVN đã xác định rõ nhiệm vụ tuyên truyền, định danh doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân. Hãy tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tôn vinh doanh nhân, định danh đúng vị trí của họ như những chiến sĩ xung kích thời bình - những người đã bỏ vốn và tài sản của mình sản xuất kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước, giống như thời chiến tranh tôn vinh bộ đội Cụ Hồ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!