Đối mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết để phát triển doanh nghiệp số
Ngày 26/10, tại Trung Tâm hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo”. Chương trình do Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức với sự tham gia của gần 400 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, nhà chính sách, doanh nhân trên cả nước.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững cũng như lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo. Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc. Có được các kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trong thời buổi hội nhập hiện nay với xu hướng “số hóa" mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp không thể ngồi yên mà cần phải hòa mình vào dòng chảy đó và bứt phá. Theo TS. Võ Trí Thành, nếu như trước đây nền kinh tế dựa vào công ty, doanh nghiệp là chủ yếu thì nay, vẫn trên nền tảng đó, nền kinh tế dựa trên nền tảng đại chúng, cá nhân. Mỗi cá nhân đều có thể là một lập trình viên trong nền kinh tế hiện đại ngày nay.
Công nghệ số đã tác động đến sản phẩm dịch vụ, quy trình sản xuất, kinh doanh, mô hình sản xuất kinh doanh, trong cách thức quản trị và kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý. “Mặt khác, hội thảo còn cho thấy dù chúng ta thích hay không thích, chúng ta nói đến nó hay không nói đến thì cuộc cách mạng số vẫn đang diễn ra. Một số đại biểu cho biết, nhiều lãnh đạo có thể chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đến chuyển đổi số nhưng đòi hỏi từ bên dưới, đòi hỏi của thị trường đang thôi thúc rất mạnh mẽ và như vậy chỉ có cách là chúng ta phải đáp ứng với đòi hỏi, thôi thúc ấy, chứ không thể né tránh được. Không phải nói thích hay không thích chuyển đổi số mà đây là điều bắt buộc vì khả năng cạnh tranh, vì sự sống còn của doanh nghiệp”, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, không có trí tuệ nào bằng trí tuệ con người, nhưng trí tuệ con người khi có sự kết nối của máy tính thì còn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều lần. Do đó, một nền kinh tế khi có sự hỗ trợ của kinh tế số sẽ thực sự phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể bứt phá, nếu bị động, doanh nghiệp coi như tự đào thải mình ra khỏi nền kinh tế hiện đại ngày nay.