Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường?

09:37 | 22/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từng bị lập biên bản xử phạt vì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay dù đã hoàn thành việc đóng tiền phạt nhưng biện pháp khắc phục hậu quả vẫn là vẫn đề ngỏ đối với Công ty Sinh học Đồng Tâm.
Đồng Nai được đánh giá là thủ phủ chăn nuôi lớn nhất miền Nam, và lĩnh vực chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng cũng gây ra những áp lực về bảo vệ môi trường. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, bình quân mỗi ngày một con heo trưởng thành thải 1,5kg phân; trâu, bò khoảng 15kg và gia cầm 0,2kg. Với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 38 triệu con, trung mình mỗi năm, Đồng Nai phát sinh khoảng 3 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi đây chính là một con số khổng lồ.
 
Vài năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; chỉ cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; nâng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn; chăn nuôi công nghệ cao (an toàn sinh học, VietGAP, khép kín và chuồng lạnh)...
 
Thống kê cho thấy, mới có khoảng 90% cơ sở sản xuất chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc làm hầm chứa biogas. Nước và khí thải từ hầm biogas chưa được tái sử dụng hiệu quả. Vậy nên người dân vẫn liên tục phản ánh về tình trạng ôi nhiễm bởi mùi hôi từ các trại chăn nuôi.
 
Một trong số đó phải kể tới Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng Tâm (Sinh học Đồng Tâm). Được biết tháng 5/2019, Sinh học Đồng Tâm đã bị Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của trang trại chăn nuôi gà đẻ quy mô 120.000 con, diện tích chuồng trại 8.350m2 tại ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom. Năm 2017, trang trại chăn nuôi gà của Sinh học Đồng Tâm chính thức đi vào hoạt động, thực hiện chăn nuôi theo chuồng kín (chuồng lạnh) trong đó (gồm 100.000 con gà đẻ, 20.000 gà hậu bị (gà 1 ngày tuổi đến 16 ngày tuổi)) với 7 dãy chuồng trên tổng diện tích 7.000m2.
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 1
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 2
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 3
Khu vực chuồng trại của Công ty Sinh học Đồng Tâm
 
Tuy nhiên theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt thì tổng diện tích chuồng trại khoảng 8.350m2 tương ứng với 12 dãy chuồng gồm 8 dãy chuồng gà đẻ, 2 dãy gà hậu bị, 1 dãy gà 1 ngày tuổi và 1 dãy chuồng cách ly gà bệnh, gà nghi mắc bệnh.
 
Tổng nhu cầu sử dụng nước theo báo cáo của trại là 20m3/ ngày đêm được khai thác từ giếng khoan nhưng trại chăn nuôi cũng chưa có giấy phép khai thác sử dượng nước dưới đất theo quy định.
 
Tại thời điểm lập biên bản, ghi nhận thực tế phương án thu gom xử lý nước thải đã thay đổi so với phương án báo cáo đánh giá TĐMT được duyệt như không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Không thu gom nước thải từ hoạt động sinh hoạt mà cho tự thấm trong khuôn viên trại. Chưa có biện pháp xử lý mùi hôi theo phương án đề xuất trong báo cáo TĐMT. Khu xử lý phân gia cầm chưa được đánh giá trong báo cáo ĐTM được duyệt, ngoài ra trại đầu tư 1 lò đốt xác gà chết không do dịch bệnh, khí thải phát sinh thải trực tiếp ra môi trường chưa được thu gom xử lý và lò đốt này cũng chưa được đánh giá trong báo cáo ĐTM được phê duyệt...
 
Với những hành vi nêu trên Sinh học Đồng Tâm đã bị áp dụng mức phạt với số tiền 330.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục sai phạm đồng thời buộc Sinh học Đồng Tâm phải xây lắp, vận hành công trình BVMT, buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm có biện pháp khắc phục và thời gian thực hiện biện pháp khắc phục trong thời gian 90 ngày.
 
Ngay sau khi có quyết định xử phạt, Sinh học Đồng Tâm nhiều lần có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng ‘giơ cao đánh khẽ’ vì doanh nghiệp vi phạm lần đầu và đang trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, xin gia hạn thời gian nộp phạt… Tuy nhiên những khó khăn mà doanh nghiệp này đưa ra đã không được chấp nhận, lúc này Sinh học Đồng Tâm mới hoàn thành việc nộp phạt theo quyết định 1971/QĐ- XPVPHC ngày 12/6/2020.
 
Ngày 29/1/2021 Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản ghi nhận việc Sinh học Đồng Tâm đã thực hiện việc nộp phạt đồng thời yêu cầu Sinh học Đồng Tâm khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo quan sát của PV vào ngày 02/03/2021, khu vực mương nước nối từ khu vực chăn nuôi gà của Sinh học Đồng Tâm ra bên ngoài vẫn là một dòng chảy có màu đen kịt của nước phân bốc mùi hôi nồng nặc được xả trực tiếp ra môi trường mà không được xử lý, che chắn. Không chỉ vào ngày mưa mà ngay cả ngày nắng, dòng nước thải này vẫn ở trạng thái hoạt động lộ thiên khiến cho người dân trong khu vực vô cùng bức xúc.
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 4
Dù đã bị xử phạt vi phạm với số tiền lớn nhưng công ty vẫn xả thải ra môi trường
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 5
Chất thải không qua xử lý tạo thành những vũng sình lầy bốc mùi hôi nồng nặc
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 6
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 7
 
Đồng Nai: Công ty Sinh học Đồng Tâm đang `phớt lờ` yêu cầu khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường? - ảnh 8
Miệng cống đen kịt,  dù công ty này được yêu cầu khắc phục hậu quả trong 90 ngày
 
Có thể thấy Sinh học Đồng Tâm đang cố tình ‘phớt lờ’ biện pháp khắc phục hậu quả theo yêu cầu Điều 2 của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1971/QĐ-XPVPHC ngày 12/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Việc trang trại này tiếp tục để nước thải trong chăn nuôi gà chưa xử lý xả trực tiếp ra môi trường không những làm ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đặc biệt là sức khỏe của người dân.
 
Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn, yêu cầu Sinh học Đồng Tâm khẩn trương khắc phục để tránh tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng lan rộng.
 
Hải Dương