Dự án nhiệt điện khí: Sau háo hức ban đầu là rào cản tài chính

15:53 | 21/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) nêu rõ: Sau những háo hức ban đầu, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với rào cản tài chính.

“Làn sóng” các nhà đầu tư

 
Theo taichinhdoanhnghiep.net.vn, hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu là dự án nhà máy điện khí lớn nhất ở nước ta. Dự án do Công ty Delta Offshore Energy (Singapore) làm chủ đầu tư. Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW. Với tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.
 
Sau nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu là hàng loạt các dự án được bổ sung vào quy hoạch như chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải - Nhơn Trạch bao gồm Dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải (công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023) và Dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất khoảng 1500MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2022-2023).
 
 
Dự án nhiệt điện khí: Sau háo hức ban đầu là rào cản tài chính - ảnh 1
 Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới phát triển điện khí tại Việt Nam.
 
Tổ hợp chuỗi dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, 2 (Bình Thuận) có tổng công suất khoảng 4000MW. Dự kiến các Nhà máy điện này sẽ đi vào vận hành vào các năm 2024-2027.
 
Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (Ninh Thuận) giai đoạn 1 công suất khoảng 1.500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026. Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 công suất khoảng 1.200-1.500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.
 
Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có công suất dự kiến là 1.500MW, được đặt tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
 
Ngoài ra còn hàng loạt các dự án đang được đề xuất nghiên cứu như Dự án Tổ hợp điện khí LNG Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có công suất 1.600MW cho giai đoạn 1, Dự án Khí điện LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Dự án kho cảng LNG Vân Phong (Khánh Hòa) công suất 10 triệu tấn LNG/năm, cung cấp LNG cho Trung tâm điện lực Mỹ Giang công suất 6.000 MW, Dự án điện khí LNG Vân Phong 2 (Khánh Hòa) công suất 3 triệu tấn LNG/năm, công suất nhà máy điện 3.000 MW. Dự án Trung tâm điện khí LNG Long An (thay thế các Nhà máy điện than, tổng công suất 2.800 MW); Dự án LNG Xẻo Rô (Kiên Giang); Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Nam (Quảng Nam), công suất 4.000MW;…
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, định hướng phát triển các dự án điện khí hóa lỏng đã được xây dựng trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Theo đó, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000-19.000 MW.
 
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) vừa có báo cáo “Đặc kỳ vọng thực tế vào các dự án nhiệt điện khí LNG Việt Nam”. Báo cáo nêu rõ, sau những háo hức ban đầu, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách, nguồn vốn và thị trường mà phần nhiều trong số này rất khó giải quyết.
 
Báo cáo phân tích, năm 2020 chứng kiến một làn sóng” các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam. Quy mô của các dự án được đề xuất cũng như số lượng và sự đa dạng của các nhà đầu tư được đánh giá là chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành điện Việt Nam.
 
Sự sôi động của lĩnh vực này phần lớn đến từ các dự án được truyền thông tốt và gắn với các nhà đầu tư và nhiên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, cũng như các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
 
“Chỉ có 9 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện hiện tại. Trong số này, có 5 dự án đã có chủ đầu tư và có thể tiến đến bước đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN trong khi nhiều dự án lớn như LNG Long Sơn, LNG Cà Ná, LNG Long An và LNG Quảng Ninh vẫn chưa công bố chủ đầu tư chính thức”, báo cáo nêu rõ.
 

Huy động vốn khó

 
Cũng theo IEEFA, thời gian qua một số nhà đầu tư đã tự đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về các mốc thời gian hoàn thành các giai đoạn triển khai dự án, bất chấp tính phức tạp của dự án nhiệt điện khí LNG nói chung. Sự thật đây là những dự án gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động, và nhiều rủi ro (rủi ro ở khâu thượng nguồn, hạ nguồn, rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công, và nhiều rủi ro khác).
 
“Các dự án nhiệt điện khí, do vậy, sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai hơn các dự án nhiệt điện than vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ triền miên”, tác giả của báo cáo nhận định.
 
Theo IEEFA, để có thể đánh giá chính xác triển vọng thị trường nhiệt điện khí ở Việt Nam, “cần hiểu được các rào cản chính sách đứng giữa các dự án này và vạch đích”.
 
Cụ thể, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, bắt buộc áp dụng luật Việt Nam để giải thích hợp đồng và không có quy định cụ thể về bảo lãnh Chính phủ đối với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp nhà nước như EVN. Luật mới không quy định rõ về việc cung cấp các cam kết bảo lãnh của Chính phủ hay chuyển đổi ngoại tệ. Các dự án nhiệt điện khí LNG thuộc dạng IPP cũng sẽ phải tuân theo một hợp đồng PPA mẫu được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam, theo đó nhà máy điện sẽ phải cạnh tranh trên thị trường bán buôn, và chỉ được bao tiêu với số lượng hạn chế từ EVN.
 
“Khung pháp lý cập nhật cho các mô hình dự án BOT hay IPP có vẻ không tương thích với các điều khoản hợp đồng mà các chủ đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG đang đòi hỏi từ phía EVN và các cơ quan Chính phủ để đảm bảo khả năng vay vốn cho dự án”, theo IEEFA.
 
Trước đó, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng việc phát triển các dự án điện khí không hề dễ dàng khi suất đầu tư cho mỗi dự án lớn, nguồn khí cho phát triển điện khí phải nhập khẩu... điều đó dẫn tới giá thành điện khí tương đối cao, thời gian đầu tư dự án kéo dài.
 
 
Dự án nhiệt điện khí: Sau háo hức ban đầu là rào cản tài chính - ảnh 2
Huy động vốn đang là bài toán quá khó cho ngành điện
 
 
Các chuyên gia cho rằng quy mô thị trường điện Việt Nam được đánh giá đủ sức hấp dẫn, nhưng huy động vốn đang là bài toán quá khó.
 
Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt 550 - 600 tỷ KWh, ngành điện cần nguồn vốn đầu tư rất lớn.
 
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó, cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045, nhu cầu vốn là 184,1 tỷ USD và cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 74/26.
 
Hiện tại, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện gần như bất khả thi. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển ngành điện. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA dần khép lại.
 
Do đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và vốn FDI sẽ có ý nghĩa quyết định trong đầu tư các dự án điện năng. Nhưng, bài toán huy động 13-15 tỷ USD/năm không dễ dàng khi các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn đều khẳng định, môi trường kinh doanh còn lắm rủi ro.
 
Theo ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục ngàn tỷ USD, có thể đáp ứng nhu cầu vốn của Việt Nam, nhưng dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao, theo đúng quy luật cung - cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ.
 
Còn với vốn đầu tư tư nhân, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nguồn vốn này cũng khó do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng.
 
Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khả thi, bởi các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
 
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện độc lập (IPP) còn khá cao, chưa có chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá bán điện cao, khiến dự án khó thu xếp vốn.
 
Các chuyên gia đều khẳng định, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn, nhưng sẽ chỉ dịch chuyển tới các quốc gia đáp ứng được các tiêu chí như quy mô thị trường đủ lớn, khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn và rủi ro thấp.
 

Làm gì để hút vốn ngoại?

 
Việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là đánh giá của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tại hội thảo "Huy động vốn quốc tế cho các dự án nguồn điện độc lập” diễn ra vào thời điểm cuối năm 2020 tại Hà Nội.
Để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn nhưng sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: Có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn và rủi ro thấp.
 
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh cơ chế về giá điện cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện đã nêu tại Nghị quyết 55.
 
Đồng thời, sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
 
Minh Hoa