Dù COVID-19, năm 2020 xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ vượt năm ngoái lên 10 tỷ USD

11:22 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 18 – 20 tỷ USD.

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa chủ trì cuộc họp xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với 28 tỉnh, thành phố ven biển và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Dù COVID-19, năm 2020 xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ vượt năm ngoái lên 10 tỷ USD - ảnh 1
Đặc sản cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)
 
Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn. Dự kiến 2020 đạt sản lượng 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu của chương trình đề ra. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra.
 
Bên cạnh việc nuôi trồng, ngành thủy sản cũng từng bước chủ động trong việc sản xuất con giống sạch bệnh với nhiều đối tượng như tôm sú, tôm chân trắng hay cá tra.
 
Bộ NN-PTNT đã giao Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến đến năm 2045. Đơn vị này cho biết, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD. Đồng thời giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.
 
Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, ngành thủy sản đã phát triển nhanh, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Với dự thảo chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các địa phương để hoàn thiện, trước khi trình Chính phủ.
 
Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

KẾ TOẠI

Xem thêm: Xuất khẩu rau quả tăng đột biến nhờ Hiệp định EVFTA