Đưa trải nghiệm du lịch bằng công nghệ 360 độ tới khách du lịch

16:30 | 27/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Công nghệ 4.0 đang làm thay đổi phương thức và hành vi của du khách, thậm chí thay đổi cả cách quảng bá của ngành du lịch Việt Nam. Thay vì phải tìm kiếm thông tin điểm đến trên sách, báo như trước kia thì ngày nay, du khách có dễ dàng trải nghiệm địa danh muốn đến ngay tại nhà bằng công nghệ 360 độ.

Sáng tạo du lịch từ trải nghiệm thực tế ảo

Ngành du lịch có rất nhiều cách để tiếp cận du khách nhưng chưa có công cụ giúp du khách hình dung được trước khu vực mình sẽ đến như thế nào để họ có thể dễ dàng đưa ra quyết định đặt vé. Nhận thấy điều đó, nhóm bạn trẻ sáng lập ADT Creative (ADT) ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, kích thích du khách mong muốn trải nghiệm thực tế tại Việt Nam.

Giám đốc ADT Phạm Ngọc Mai Anh cho biết, ADT thành lập được hơn một năm, xuất phát từ tâm huyết của những người trẻ tuổi, muốn đưa hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam giới thiệu với du khách quốc tế và bạn bè thế giới. ADT đã tham gia khá nhiều dự án, tạo ra nhiều ứng dụng về thực tế ảo và thực tế tăng cường phục vụ cho cộng đồng góp phần thu hút khách du lịch.

“Công nghệ 360 độ này có thể áp dụng được cả phần mềm lẫn phần cứng. Về phần mềm, chúng tôi số hóa những không gian du lịch đẹp. Du khách có thể xem toàn bộ khung cảnh di tích đó trên website, bấm chọn vào từng vị trí họ muốn tìm hiểu, có thể đi lại trong đó như họ đang ở trong đó thật. Giống như 1 trò chơi game, họ có thể di chuyển mọi ngóc ngách của di tích để khám phá, mang lại cảm giác chân thật thuyết phục họ đến để trải nghiệm”, chị Mai Anh cho hay.

Để tái hiện lại được những hình ảnh, không gian thật để đưa lên ứng dụng, nhóm bạn trẻ này sử dụng công nghệ quét bằng laze, máy ảnh kĩ thuật số với chất lượng rất lớn, sau đó ghép các hình ảnh này lại, lập trình để tạo ra những trải nghiệm 360 độ.

Đưa trải nghiệm du lịch bằng công nghệ 360 độ tới khách du lịch - ảnh 1
Phạm Ngọc Mai Anh - Giám đốc ADT

Với những công trình đã có sẵn, họ trực tiếp đến chụp, quay trực tiếp và scan lại công trình đó. Những công trình còn đang trên giấy như bất động sản hay những khu du lịch sinh thái đang hình thành và mong muốn được mọi người biết đến trước thì ADT sẽ dựng những hình ảnh thiết kế kiến trúc thành thiết kế 3D rồi lập trình để mọi người có thể trải nghiệm tham quan trước.

Ứng dụng của ADT có thể xem được qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh; có thể xem tại website của ADT hoặc có thể tải về từ các chợ công nghệ App store của Apple, Google Play của Android, Steam store của HTC hay Oculus store của Facebook.

Người xem và du khách có thể thông qua các ứng dụng của ADT để tìm hiểu thông tin về hình ảnh các điểm đến, di tích, bảo tàng… của Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, cầu tình yêu (Đà Nẵng); hang Sửng sốt, khu vui chơi giải trí Sunworld (Quảng Ninh)…

Đối với các ứng dụng thực tế ảo thì người xem và du khách có thể di chuyển trong phạm vi khu vực ứng dụng cho phép và xem các hình ảnh 360 độ, nghe giới thiệu một số thông tin cơ bản trong và xung quanh khu vực. Đối với các ứng dụng thực tế tăng cường thì người xem và du khách còn có thể tương tác với khu vực phạm vi ứng dụng thực hiện.

Trong tương lai, ADT sẽ phối hợp với đối tác phát triển các ứng dụng giúp tương tác với khách du lịch nhiều hơn; thông qua ứng dụng, du khách cũng có thể đặt mua các chương trình tour hay các sản phẩm dịch vụ khác.

Xuất khẩu công nghệ “Made in Vietnam” ra thế giới

Chia sẻ sâu hơn về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Mai Anh tâm sự, sau 6 năm học về công nghệ truyền thông tương tác và tài chính ở Anh, năm 2013 Phạm Ngọc Mai Anh và Thế Duy về nước. Thời điểm đó, ngành công nghệ tương tác, cụ thể là công nghệ thực tế ảo còn rất mới ở Việt Nam. Mai Anh đã vào Thành phố Hồ Chí Minh để có không gian và thời gian trải nghiệm, nắm bắt được nhu cầu của thị trường về việc áp dụng những công nghệ, sáng tạo mới trong ngành quảng cáo.

Cùng lúc, Thế Duy xin vào làm một công ty lớn ở Hà Nội chuyên về tài chính để tìm hiểu về phong cách làm việc tại Việt Nam mà Duy còn thấy rất bỡ ngỡ. Chỉ sau chưa đầy một năm, nhận ra niềm đam mê của mình chính là công nghệ thực tế ảo, Thế Duy đã gặp Mai Anh cùng đưa ra những ý tưởng hiện thực hóa mảng truyền thông công nghệ thực tế ảo ở Việt Nam.

Mai Anh kể, thời điểm mới về Việt Nam, chị may mắn được một công ty  của Singapore đỡ đầu thực hiện một số dự án đã ấp ủ, còn Thế Duy đã kịp xây dựng được đội ngũ phát triển Robot và giáo trình giảng dạy. Đó chính là những tiền đề đầu tiên xây dựng nên ADT Creative bây giờ.

Khi biết thông tin Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đang tìm kiếm đối tác về công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam, ADT Creative lập tức đến “chen vai” với hơn 10 đơn vị từ Bắc vào Nam. Cùng với đó là các buổi thuyết trình, thể hiện năng lực, làm bài kiểm tra và có những buổi trò chuyện với lãnh đạo của Viettel về tầm nhìn của tương lai, về những dự án, về con người, giá trị sống... những điều rất cần thiết ở các nhà quản lý trẻ trong thời đại mới.

Kết quả cuối cùng, đề án du lịch thực tế ảo của ADT đã được lựa chọn. Sau Viettel, ADT Creative lần lượt hợp tác số hóa với các đơn vị lớn như hãng xe BMW, Language Link. Ngoài ra, ADT Creative còn hợp tác với Tập đoàn Bất động sản BooYoung (Tập đoàn lớn thứ 13 Hàn Quốc) về số hóa không gian, mô phỏng lại không gian dự án của họ thành 360 độ để khách hàng có thể trải nghiệm dự án khi chưa hoàn thành. Họ cũng tham vọng sẽ là chủ doanh nghiệp bất động sản đầu tiên ứng dụng công nghệ thực tế ảo để khách hàng có thể đi vào không gian và tương tác với nhà mẫu ảo của dự án.

Dù được lựa chọn là đối tác của nhiều công ty, tập đoàn lớn nhưng mục tiêu của đội ngũ những người trẻ ở ADT Creative lại là… truyền cảm hứng cho thị trường Việt. “Để Việt Nam sẽ có những sản phẩm về công nghệ tương tác “Made in Vietnam” từ A-Z, từ nội dung, chất lượng đến công nghệ để mang ra thế giới, để Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở đất nước gia công phần mềm như hiện nay”, chị Mai Anh chia sẻ.

Một vấn đề du khách băn khoăn khi sử dụng ứng dụng này là bảo mật thông tin khi rất nhiều đơn vị du lịch nắm được thông tin, lịch trình của khách hàng. Chị Mai Anh khẳng định, có thể do các thao tác tìm kiếm thông tin điểm đến trên google, facebook... hoặc quá trình giao dịch, đặt phòng của khách hàng đã giúp các hệ thống này có thể ghi nhận được các thông tin cá nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ du khách cũng không nên quá lo lắng vì các đơn vị này đều có những điều khoản và chính sách đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng. Mặc dù việc chia sẻ thông tin trên các trang web có thể có hai mặt nhưng vì sự tử tế trong kinh doanh nên các thông tin này sẽ được các nhà dịch vụ giữ gìn, trân trọng.

ĐỌC NHIỀU