Giá phân bón tăng chóng mặt: Doanh nghiệp ứng biến ra sao?

21:15 | 03/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá phân bón trong nước tăng mạnh do ảnh hưởng trước biến động của thị trường thế giới, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã chủ động dừng, giảm xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế...

Giá phân bón tăng theo giá thế giới

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện rất nhiều loại hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu trên toàn thế giới đều tăng giá chứ không riêng gì phân bón. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 khiến các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp nhiều nơi trên thế giới, phải đóng cửa hoặc vận hành với công suất nhỏ.

 Giá phân bón tăng chóng mặt: Doanh nghiệp ứng biến ra sao? - ảnh 1

Kế đến, dịch bệnh khiến chuỗi logictics đứt gãy, cước phí vận chuyển tăng đột biến khiến giá nhiều mặt hàng tăng theo, trong đó có phân bón, vốn chủ yếu được vận chuyển bằng container, mà theo tính toán, cước vận chuyển bằng phương tiện này đã tăng 5 lần so với trước đây.

Đặc biệt, giá phân bón thế giới tăng có nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu tăng phi mã, vượt mọi dự báo. Theo đó, so với cuối năm 2020, hiện giá lưu huỳnh tăng 133%, amoniac (NH3) tăng 130%, Acid Sulphuric (H2SO4) có khu vực tăng đến 500%.

Bên cạnh đó, việc các nước thực hiện tiêm vaccine Covid-19 thần tốc đã kéo theo nhu cầu khôi phục sản xuất kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, Trung Mỹ. Từ đó, kéo theo giá phân bón trên thế giới tăng mạnh do nhu cầu khôi phục sản xuất nông nghiệp đang tăng cao.

Ở Việt Nam, giá phân bón do trong nước sản xuất cũng tăng lên đáng kể. Nguyên nhân do phần lớn nguyên liệu để sản xuất phân bón mua theo giá thế giới nên khi giá nguyên liệu thế giới tăng, giá thành sản xuất trong nước cũng tăng theo.

Mặt khác, sau mấy chục năm cải cách, nền kinh tế Việt Nam hiện nay có mức độ hòa nhập với nền kinh tế thế giới ở mức độ rất cao. Mỗi biến động trên thị trường thế giới đều gây ra tác động tới nền kinh tế trong nước theo hiệu ứng cánh bướm. Khi giá một mặt hàng mang tính phổ biến nào đó, ví dụ phân bón, trên thế giới có sự thay đổi, giá trong nước cũng lập tức thay đổi, theo nguyên tắc bình thông nhau. Đây là cơ chế điều chỉnh của thị trường để tạo ra mặt bằng giá chung trên toàn thế giới.

Nếu giá của mặt hàng nào đó tại Việt Nam cao hơn hay thấp hơn giá thế giới, lập tức sẽ tạo luồng di chuyển của mặt hàng đó từ Việt Nam tới các khu vực khác, hoặc từ các khu vực khác tới Việt Nam, cho tới khi lập lại mức cân bằng giá chung. Vì thế, khi giá phân bón trên thế giới tăng cao như vừa rồi, hay ngược lại, khi giá phân bón giảm sâu như cách đây vài năm, giá phân bón tại Việt Nam sẽ thay đổi tương ứng.

Tập trung tối đa nguồn phân bón phục vụ thị trường trong nước

Thực tế hiện nay, giá phân bón sản xuất trong nước dù tăng nhưng vẫn thấp hơn so với thế giới. Trên thị trường nội địa, các loại phân bón trong nước đang có giá thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 1-2 triệu đồng/tấn. Dự báo, trong thời gian tới, giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục tăng theo biến động tăng giá của thế giới. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp trong nước chỉ có thể kìm hãm phần nào đà tăng giá chung.

Hiện các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực gia tăng tối đa sản lượng, điều độ hàng tới các vùng miền, kịp thời phục vụ cho bà con nông dân, đồng hành cùng nông dân, nông nghiệp Việt Nam trước biến động của thị trường thế giới, nhờ đó đã ngăn chặn được tình trạng khan hàng, sốt giá. Mà để làm được điều đó trong tình hình này không dễ dàng gì, doanh nghiệp, nhà máy nội đang phải căng mình trên nhiều mặt trận để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp phân bón lớn trong nước như Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã chủ động dừng, giảm xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường quốc tế để tập trung tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước. Điều này cũng đồng nghĩa, các doanh nghiệp đã chủ động phải chịu giảm đi một phần lợi nhuận từ việc xuất khẩu với giá cao hơn để hỗ trợ, chia sẻ với bà con nông dân.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tại các nhà máy sản xuất phân bón, đội ngũ vận hành sản xuất phải "đóng quân" tại chỗ, từ lãnh đạo nhà máy, cán bộ, kỹ sư, công nhân viên đều "tự" cách ly tập trung cả tháng trời không về nhà, đảm bảo nhà máy được vận hành liên tục, an toàn, đảm bảo chất lượng và đủ sản lượng phục vụ mùa màng.

Hình ảnh đó cũng là minh chứng cho sự cam kết, nỗ lực đồng hành của doanh nghiệp, người lao động trong ngành phân bón với nông nghiệp, với bà con nông dân.

Kim Liên - Chất lượng VN

ĐỌC NHIỀU