Giải quyết vốn ưu đãi cho doanh nghiệp

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN 14:07 | 08/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động và nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước

 Với mục đích tạo thêm kênh huy động tài chính giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán về vốn, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn với mức lãi suất ưu đãi từ 1,2-4,4%/năm. Các doanh nghiệp cho rằng, đây là chủ trương thiết thực, có ý nghĩa tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa về nguồn lực tài chính để khởi nghiệp, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 1,2%/năm với khoản vay ngắn hạn vốn lưu động và 4,4%/năm cho vay trung và dài hạn. Thời gian vay tối đa 7 năm, ân hạn lãi 2 năm với mức vay tối đa là 150 tỷ đồng, tối thiểu 300 triệu đồng. Với đơn vị kinh tế tập thể như hợp tác xã sản xuất sẽ áp dụng lãi suất vay cố định là 5,13%/năm, thời gian vay tối đa 5 năm và hạn mức vay tối đa 100 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Thanh Thanh, Giám đốc, Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Thanh phấn khởi bày tỏ: Là đơn vị mới thành lập, thông tin này rất hữu ích khi hợp tác xã đang có nhu cầu phát triển thêm sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối. Từ đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, gia tăng thu nhập cho xã viên và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Chỉ có điều, lâu nay, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng thông qua các chương trình ưu đãi dường như không dễ.

"Lắm khi phải đi đường vòng, nhờ vả mối quan hệ vừa tốn kém chi phí, vừa mất rất nhiều thời gian, thủ tục giấy tờ. Nhiều doanh nghiệp ngại vay không phải bởi họ không có nhu cầu mà lo lắng tìm không đúng địa chỉ", bà Hoàng Thị Thanh Thanh nói.

Theo ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), căn cứ vào Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/5/2019, đơn vị là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục đích hoạt động của quỹ là nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 4/10/2023, Hội đồng thành viên quỹ có Quyết định 12/QĐ-HĐTV về việc công bố mức lãi suất cho vay của quỹ. Theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 1,2%/năm và 4,4%/năm cho gói vay trung và dài hạn; thời gian vay tối đa 7 năm, ân hạn không quá 2 năm. Đối tượng hỗ trợ của quỹ gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị; hợp tác xã không thuộc đối tượng hỗ trợ của quỹ.

Hiện nay, quỹ đã ký hợp đồng khung với 6 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HD Bank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để thực hiện cho vay gián tiếp.

Sacombank là 1 trong 6 ngân hàng thương mại đã ký hợp khung với Quỹ. Ảnh: BNEWS phát

Căn cứ Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy chế cho vay gián tiếp, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chịu trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị vay vốn tại điểm giao dịch của ngân hàng hoặc qua bưu điện. Phía ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn từ doanh nghiệp, thẩm định, ra quyết định cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện. Nếu phát sinh trường hợp từ chối chuyển vốn, quỹ cũng sẽ thông báo cho ngân hàng về lý do từ chối.

Ông Hà cũng thông tin, theo số liệu mới được cập nhật, hết năm 2023, cả nước đã có 39 dự án được quỹ quyết định chuyển vốn cho ngân hàng để thực hiện cho vay gián tiếp với tổng số tiền ký hợp đồng là 682 tỷ đồng. Như vậy chứng tỏ, có không ít doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ quỹ.

Tuy nhiên, ông Hà lưu ý: Quỹ cũng từng nhận nhiều thông tin phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức gửi email mời gọi doanh nghiệp tiếp cận vốn, thậm chí "mạo nhận" đại diện quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hồ sơ thủ tục vay vốn.

Ông Hà khẳng định: Quỹ không hợp tác với bất kỳ tổ chức như viện, hiệp hội hay cá nhân nào để tư vấn, làm hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp. Quỹ có bộ phận tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp và quỹ không thu phí của doanh nghiệp để hỗ trợ thủ tục, hồ sơ tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Để ngăn chặn nguy cơ phát sinh tiêu cực, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đăng tải thông tin chính thức trên website, trên fanpage của facebook khuyến cáo các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp quỹ để nhận tư vấn, hướng dẫn thủ tục, quy trình chuẩn bị hồ sơ, chuyển giao tài liệu nghiên cứu để các doanh nghiệp xác định rõ các tiêu chí và chuẩn bị các điều kiện tiếp cận vốn. Cùng đó, quỹ cũng đã ban hành Sổ tay hướng dẫn chương trình cho vay gián tiếp.

Thời gian qua, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức đào tạo về Chương trình cho vay gián tiếp nguồn vốn thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, thực hiện phổ biến cho các bộ phận, chi nhánh của các ngân hàng về quy định, thủ tục, trình tự, hồ sơ để thực hiện hoạt động cho vay gián tiếp.

Đồng thời, hướng dẫn các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay gián tiếp, nhằm đưa nguồn vốn tới các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy việc triển khai tiếp cận các khách hàng tiềm năng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ khách hàng.

Thời gian tới, quỹ sẽ tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng tới toàn thể người dân và doanh nghiệp về chủ trương này. Từ đó, gia tăng đối tượng hưởng lợi, tạo cánh tay nối dài, hỗ trợ các doanh nghiệp cần vốn nắm bắt thông tin được cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn.

Điều này sẽ giúp nguồn vốn đến được đúng người, đúng lĩnh vực đang cần; đồng thời, giảm thiểu nguy cơ bị trục lợi hoặc những vi phạm có thể ảnh hưởng tới uy tín của quỹ, của ngân hàng, khiến giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.