Giám đốc Thử thách Trinity tiết lộ lý do dự án của VinUni nhận giải thưởng 1 triệu bảng Anh
Sự chung tay của người nông dân, bác sĩ thú y và chuyên gia dữ liệu
- Vì sao the Trinity Challenge 2024 chọn thử thách năm nay là “Kháng kháng sinh”, thưa GS?
Chúng tôi chọn kháng kháng sinh (AMR) làm chủ đề năm nay bởi AMR là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Kháng sinh của chúng ta đang dần mất đi hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Đây là vấn đề hệ trọng, có ảnh hưởng đến sức khỏe của cả con người, động vật và môi trường.
Để hiểu quy mô vấn đề, có thể nhắc đến một số con số: Kháng kháng sinh là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong/năm. Và khoảng 1,3 triệu trường hợp trong số đó có liên hệ trực tiếp đến tình trạng kháng kháng sinh. Trong hệ thống sản xuất thức ăn chăn nuôi, người ta ước tính AMR gây ra tổn thất tới 13 tỷ USD/năm.
- Các dự án tham gia Thử thách Trinity sẽ được đánh giá ra sao để đảm bảo chọn được dự án xuất sắc nhất liên quan tới kháng kháng sinh?
Những tiêu chí chính bao gồm việc giải pháp phải tập trung vào các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, được thực hiện ở cấp độ cộng đồng và cần có sự đổi mới sáng tạo trong phân tích dữ liệu.
Về quá trình đánh giá, chúng tôi ban đầu nhận được 285 giải pháp, sau đó chọn lọc ra 40 giải pháp vào vòng bán kết. Những đội này tiếp tục trải qua giai đoạn xếp hạng theo nhiều tiêu chí khác nhau. Mỗi đội sẽ được đánh giá bởi ít nhất 5 giám khảo độc lập để cho ra số điểm tổng hợp. 8 đội có điểm cao nhất sẽ lọt vào vòng chung kết. Ban giám khảo sau đó sẽ xem video giới thiệu và phỏng vấn từng đội vào vòng chung kết, để chọn ra giải pháp thắng cuộc.
Quá trình đánh giá trên diễn ra một cách độc lập, với hội đồng giám khảo tới từ khắp nơi trên thế giới. Họ là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực mà Thử thách Trinity muốn đặc biệt chú trọng vào, như đổi mới sáng tạo trong phân tích dữ liệu, tích hợp dữ liệu…
Năm nay, các dự án có chất lượng rất cao. Ban giám khảo đã gặp khó khăn lớn khi phải đưa ra quyết định lọc từ hàng trăm dự án rất tốt xuống còn 8 dự án lọt vào vòng chung kết và cuối cùng là dự án chiến thắng.
- Vậy, đâu là điểm được hội đồng đánh giá cao với Farm2Vet – dự án chiến thắng giải thưởng lớn (Grand Prize) trị giá 1 triệu bảng Anh?
Hội đồng giám khảo nhận thấy rằng giải pháp của Farm2Vet đã đáp ứng được nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, dự án có VetBot (chatbot chuyên về kiến thức thú y) được trang bị AI, giúp truyền tải thông tin rõ ràng từ bác sĩ thú y đến nông dân, qua đó tạo điều kiện cho việc sử dụng kháng sinh phù hợp và thận trọng trong hệ thống sản xuất thực phẩm.
Ngoài ra, Farm2Vet tạo ra dữ liệu có thể được sử dụng cho mục đích dự đoán. Hầu hết dữ liệu chúng tôi có về AMR đến từ các phòng thí nghiệm bệnh viện trong hệ thống chăm sóc sức khỏe con người. Việc lấy mẫu như vậy không đại diện cho tình hình toàn bộ vì bệnh nhân nặng được nhập viện vào bệnh viện thường đã sử dụng kháng sinh, ý nghĩa mức độ AMR của họ không phản ánh hồ sơ kháng cự của cộng đồng.
Trong khi đó, với việc Farm2Vet là dự án liên quan tới sức khỏe loài vật, dữ liệu được tạo ra có khả năng giúp phát hiện các đợt bùng phát dịch ở động vật, cho phép ghi nhận những trang trại nào đang sử dụng kháng sinh một cách hợp lý. Điều này rất quan trọng nhằm xây dựng lòng tin và cái nhìn tích cực đối với người nông dân Việt Nam khi tình hình dùng thuốc kháng sinh dần được cải thiện.
Một phần khác của dự án mà chúng tôi cũng thực sự thích là sự cùng chung tay giữa nông dân, bác sĩ thú y và chuyên gia dữ liệu. Cách làm này giúp tập hợp nhiều khía cạnh, cho thấy sự đổi mới sáng tạo trong cách phân tích dữ liệu nhằm triển khai một giải pháp quan trọng.
Theo tôi, đó là những lý do ban giám khảo độc lập đã quyết định trao giải đặc biệt cho Farm2Vet.
Có thể mở rộng triển khai dự án sang nhiều nước
- GS nghĩ gì khi dự án liên quan tới sinh học/sức khỏe lại do các giảng viên chuyên ngành quản trị kinh doanh, khoa học máy tính của VinUni và cộng sự tại Đại học Illinois Urbana Champaign phát triển?
Chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng. Thử thách Trinity luôn đề cao tinh thần hợp tác, đón nhận những ý tưởng sáng tạo từ mọi lĩnh vực. Và thật tuyệt vời khi chứng kiến một giải pháp đột phá như vậy xuất hiện từ bên ngoài phạm vi thưsờng được xem là chủ đạo của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và vi sinh vật.
Do đó, thật đáng khích lệ và ấn tượng khi Thử thách Trinity được chứng kiến sự xuất sắc của đội ngũ Farm2Vet, những người đã đưa ra một giải pháp đầy tiềm năng. Chúng tôi thực sự hài lòng với kết quả này.
- Sau khi trao giải, Thử thách Trinity sẽ hỗ trợ Farm2Vet ra sao để đưa dự án vào cuộc sống?
Sau khi trao giải, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các người chiến thắng thông qua một đối tác hỗ trợ đổi mới sau khi nhận giải với Jhpiego, và thông qua việc hợp tác với các đối tác và thành viên của Trinity Challenge. Đội chiến thắng sẽ có cơ hội hợp tác với các chuyên gia công nghệ và dữ liệu, các tổ chức từ thiện, chuyên gia về kháng sinh và nhiều thành viên khác trong liên minh của chúng tôi.
Chúng tôi cũng sẽ cố gắng xây dựng nguồn kinh phí triển khai dự án thông qua các đối tác, cũng như tạo cơ hội cho những người chiến thắng gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệm. Điều chúng tôi muốn là hỗ trợ từng đội triển khai dự án của họ cả ở quy mô địa phương, với hy vọng mở rộng dự án ra toàn khu vực, toàn quốc, thậm chí là sang các nước khác.
Farm2Vet là Dự án về nền tảng thú y ảo được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang (Giảng viên Viện Kinh doanh Quản trị) và Tiến sĩ Đoàn Đăng Khoa (Giảng viên Viện Khoa học Máy tính, trường Đại học VinUni) cùng Giáo sư Thanh Hương (Helen) Nguyễn (Giảng viên Đại học Illinois Urbana Champaign - Hoa Kỳ). Dự án đã xuất sắc vượt qua 285 giải pháp ấn tượng của các đội thi đến từ 57 quốc gia để giành giải thưởng cao nhất trị giá 1 triệu bảng Anh (hơn 32 tỷ đồng Việt Nam) tại the Trinity Challenge 2024.
Thử thách Trinity (the Trinity Challenge) là tổ chức tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe lớn nhất thế giới, hỗ trợ tạo ra các giải pháp dựa trên dữ liệu để giúp bảo vệ chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Thử thách Trinity được đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19 (từ năm 2021), trong đó nhấn mạnh nhu cầu toàn cầu phải chuẩn bị tốt hơn để giải quyết các trường hợp khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe.