Hà Nội đặt mục tiêu tăng thêm 0,4 m2 nhà ở/người
Ngành xây dựng Hà Nội đặt mục tiêu tăng thêm diện tích nhà ở bình quân từ 26,8 m2/người lên 27,2 m2/người vào năm 2021.
Sáng 22-12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng và ngành Xây dựng Thủ đô về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Hoàn thành tốt nhiều kế hoạch đề ra
Theo báo Hà Nội mới cho biết tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết tính đến tháng 12-2020, diện tích nhà ở bình quân toàn TP đạt 26,8 m2/người, vượt sớm mục tiêu đến năm 2020 (26,3 m2/người). Đồng thời, ngành đặt mục tiêu nâng diện tích nhà ở bình quân lên 27,2 m2/người vào năm 2021.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong
Năm 2020 đã hoàn thành năm dự án nhà ở xã hội với 550.281 m2 sàn tương ứng với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944 m2 sàn, 53.644 căn hộ; năm dự án nhà ở tái định cư, tương ứng 154.270 m2 sàn, 1.723 căn hộ. Sở đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai của 36 dự án nhà ở, với tổng số 19.451 căn nhà, tương ứng khoảng 1,6 triệu m2 sàn.
Cùng với đó, Sở tham mưu cho TP bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư 2.876 căn hộ, thu hồi 2.474 căn hộ, ban hành quyết định chủ trương đầu tư bảy dự án nhà ở xã hội.
Qua công tác tham mưu của Sở Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2015, TP Hà Nội đã được Bộ Xây dựng thống nhất đổi tên, mục tiêu đề án thành “Đề án thí điểm các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội” và lựa chọn năm khu chung cư cũ để làm thí điểm.
Nhiều tồn tại lớn đã được giải quyết
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, với trách nhiệm cơ quan Thường trực của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Sở Xây dựng đã làm tốt chức năng của mình, đạt được nhiều kết quả toàn diện trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về nước sạch, tỷ lệ thu gom rác thải, hoàn thành vượt mức chương trình trồng 1 triệu cây xanh; quản lý trật tự xây dựng; thăng hạng về cải cách hành chính; xử lý dứt điểm vi phạm tại số 8B Lê Trực...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.
Nhìn lại 5 năm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng cho thấy Thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt lưu ý Sở Xây dựng về một số vấn đề còn bất cập, tồn tại liên quan đến: Lát đá vỉa hè; công tác quản lý về thoát nước, xử lý nước thải từ quy hoạch, chủ trương đầu tư, nguyên nhân khách quan, chủ quan; vấn đề hạ ngầm kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị; xử lý nước thải làng nghề; một số chính sách về giá, cơ chế khuyến khích đầu tư còn vướng...
Một số đầu tư trong lĩnh vực quản lý chưa đồng bộ, đặc biệt là về cấp nước, thoát nước, đơn cử như nếu không tính tiếp đầu tư cho sông Tô Lịch thì tại đây sẽ không có nước thời gian tới. Công tác vệ sinh môi trường tuy nhiều chuyển biến nhưng vẫn là khâu yếu, chưa triển khai cơ giới hóa, đầu tư trang bị đầy đủ thiết bị quan trọng. Tình trạng quá tải tại các khu xử lý rác tập trung chưa giải quyết dứt điểm, vẫn để người dân bức xúc. Công tác cải tạo xây dựng chung cư cũ chưa có chuyển biến...
Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng chọn ngay một số việc làm trong năm 2021 liên quan đến các vấn đề như: Công viên, cây xanh, chiếu sáng, môi trường, xây dựng khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân-Cầu Giẽ...
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng sớm hoàn thành dự thảo Chương trình 03-CTr/TU nằm trong 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa 2020-2025 về chỉnh trang, phát triển đô thị; hoàn thành công tác quy hoạch thuộc các lĩnh vực Nhà nước thuộc Sở, trong đó có quy hoạch nội đô, có mốc thời gian cụ thể trình Thành phố.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: Hà Nội: Nhiều dự án giao thông trọng điểm về đích trước năm 2021