Hà Nội luôn trong trạng thái chủ động cung ứng hàng hóa
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương chiều 21/3 về kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19, UBND TP. Hà Nội cho biết khi dịch xảy ra, Thành phố đã yêu cầu các hệ thống phân phối tập trung tăng cường dự trữ hàng hóa, theo đó các doanh nghiệp tăng lượng hàng dự trữ 30-40%.
Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA Mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300-500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retail chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…).
Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đó.
Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174 nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục gia tăng, đại diện Sở Công Thương Thành phố cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết Thành phố luôn ở trạng thái chủ động các kịch bản, phương án để đảm bảo đời sống của người dân trong dịch bệnh
Căn cứ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các cấp độ ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội đang chuẩn bị 129.544 tỷ đồng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân trong 3 tháng của quý II/2020 với nhu cầu sử dụng tăng gấp đôi tháng bình thường.
Trong khi đó, trên cơ sở 4 kịch bản hàng hóa theo mức độ lây lan của dịch bệnh, Thành phố đã giao cho các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa đảm bảo cung ứng cho nhân dân.
Hiện Hà Nội đang ở kịch bản số 2, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường và nhu cầu tăng cao hơn.
Đồng thời, theo kiến nghị của doanh nghiệp, TP. Hà Nội mới đây cũng đã cấp phép cho 21 phương tiện vận tải hoạt động 24/7 để tăng cường vận chuyển hàng hóa trong nội thành và từ các tỉnh về thẳng kho hàng của đơn vị phân phối nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân toàn Thành phố.
Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cũng nhận định, tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô hiện đáp ứng đầy đủ, song nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng hơn, vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại một thời gian ngắn nhất định do một số nguồn tin không chính thống ảnh hưởng đến tâm lý đám đông, số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm.
“Nếu tình hình dịch diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc cung ứng nguồn hàng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất, cung cấp cho nhà phân phối do thiếu hụt lao động trong sản xuất, lao động trong lĩnh vực logistics, thiếu các phương tiện vận chuyển,…”, đại diện Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết.
Mặt khác, khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các chuỗi phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ… có thể phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly.