Hang Bàn Bù và điển tích ly kỳ của người anh hùng áo vải Lê Lợi
Thiên nhiên ưu ái
Một ngày cuối tháng 9, tiết thu mát dịu kèm theo những cơn mưa rả rích đêm ngày, đất trời như quyện mình trong mưa, tôi rời phố thị xô bồ lái chạy xe ngược tuyến quốc lộ 47 thẳng tiến lên miền tây Thanh Hóa, nơi nút ngàn cây xanh mát dịu, để mong trốn khỏi những áp lực của cuộc chiến với COVID suốt 2 năm qua, tôi đi tìm những mảnh chuyện ly kỳ gắn liền với đời sống bà con dân tộc vùng núi Ngọc Lặc.
Đã không ít lần phóng xe vun vút qua xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, nhưng đây là lần đầu tôi dừng xe nghỉ tạm bên đường. Đang đưa mắt ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, bỗng bắt gặp hình ảnh một ngôi chùa lớn, khang trang nằm ẩn sau dãy nhà sàn của người dân bản địa. Ngôi chùa đặt trong thế “tọa sơn, hướng thủy” được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, phía trước mặt là dòng kênh nhỏ chạy ngang qua.
Tò mò, tôi lân la bắt chuyện với vài người dân bản địa đang đứng bán măng rừng dọc hai bên đường, thì được biết, ngôi chùa trên có tên "Trúc Lâm Bàn Bù Thiền tự", người dân địa phương thường gọi là Chùa Nán.
Chùa Nán Thờ Phật Thích Ca Mau Ni theo Thiền phái Trúc Lâm, Chùa đã có từ xa xưa, trước năm 1420 giặc Minh xâm lược đã tàn phá chùa, nhân dân đã phải sơ tán vào hang Bàn Bù lập bàn thờ Thần nước và thờ Phật, Sau khi chiến thắng quân Minh nhân dân lại xây dựng chùa để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng.
Trải qua thời gian, Chùa Nán đã bị cháy, hư hỏng toàn bộ, chỉ còn lại phần nền đất. Đến ngày 18/01/ 2016 (tức ngày 09/12 Ất Mùi) Chùa Nán (Trúc Lâm Bàn Bù Thiền Tự) đã được đồng bào nhân dân các dân tộc cùng các nhà doanh nghiệp, phật tử trong và ngoài huyện công đức phục dựng, đến ngày 30/11/2016 (tức ngày 1/11/ Bính Thân) chùa Nán đã được khánh thành.
Nằm cách không xa chùa Nán có hang Bàn Bù là nơi tập hợp nuôi dưỡng nghĩa quân Lam Sơn, tại đây đã diễn ra nhiều cuộc phục kích khi quân địch lên miền thượng. Hang Bàn Bù có chiều dài 6.000 m bên trong ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng.
Nắm được những thông tin trên, tôi quyết định nán lại nơi đây, mong được tìm hiểu nhiều hơn về địa danh kỳ thú này. Ngước nhìn đồng hồ thấy đã giữa trưa nên tôi ghé vào một quán tạp hóa nhỏ bên đường xin nghỉ lại, chủ quán là người rất hiếu khách, bác dẫn tôi vào ngôi nhà sàn trong tận làng Ngán yên tĩnh, để tránh tiếng xe cộ ồn ào, tiện cho việc nghỉ ngơi.
Lúc bóng chiều nghiêng vách núi, tôi chào người chủ quán thân thiện rồi hỏi thăm đường dẫn đến hang Bàn Bù. Đường lên hang phải men theo một thác nước nhỏ, chảy róc rách cùng với tiếng gió, tiếng lá rơi của đại ngàn tạo thành bản nhạc rừng du dương, dịu nhẹ. Cửa động rộng mở, ẩn nấp sau màu xanh của cây rừng.
Bên trong động như một vịnh Hạ Long thu nhỏ hiện ra, nước trong xanh và những hòn đá mảnh mai nhô lên như những cánh buồm lộng gió ở nơi biển cả. Trên vòm đá, từng khe nước nhỏ tinh khiết thánh thót chảy xuống tạo nên hồ nhỏ lăn tăn gợn sóng.
Lối nhỏ men theo vách đá nhũ dẫn tôi vào sâu trong động. Từng vẻ đẹp kỳ ảo dần hiện lên dưới ánh đèn pin và đèn flash máy ảnh. Vào sâu chừng 20m, có nền đá phân ô vàng óng, được tráng bằng lớp nước mỏng tang trong vắt. Gần đó có khối nhũ đá tạo dáng người như đang ngồi trông giữ "vật báu thiêng" nơi miền sơn cước. Dân bản địa gọi chỗ này là Ruộng Vua.
Qua Ruộng Vua, leo lên sườn hang, tôi nghỉ chân tại một cột đá lớn sừng sững giữa động như cột trụ trời. Bao quanh cột, nhũ đá chảy xuống và đông lại tạo thành tán, trông giống những cành tùng La Hán. Vòm cột trải ra uốn cong như bệ ngai vàng vững chãi chìm dưới màu vàng tươi óng ả. Những tượng đá nghiêng mình khấn vái trước mặt làm cột trở nên uy nghi giống ảnh vị thần.
Càng vào sâu càng nhiều vẻ đẹp lạ lùng của nhũ đá và dáng động. Bàn Bù uốn lượn như thân rồng và có nhiều hình thù gần gũi thân quen với con người, có cả dòng nước trong veo chảy lững lờ níu giữ chân người thăm viếng. Những tượng đá hình người đứng hai bên lối đi nghiêng đầu chào khách vào động. Tôi "lạc" vào không gian huyền thoại, ở đó có hình Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ cúi mình tát nước cho dân Mường, pha lẫn là một chút truyền thuyết lịch sử về người anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Điển tích hào hùng và lễ hội rước nước độc đáo
Để hiểu rõ hơn về điển tích của hang Bàn Bù, sau khi đã thỏa sức thưởng thức vẻ đẹp huyền ảo trong lòng hang, tôi tìm đến gặp những cao niên trong bản Ngán, các già làng kể cho tôi nghe những câu chuyện ly kỳ hang Bàn Bù đậm chất sử thi, mà các thế hệ người dân bản địa vẫn truyền tai nhau qua bao thế hệ. Tôi đắm chìm qua lời kể, cứ thế quên đi thời gian, để khi giật mình nhìn ra lại đã thấy trời nhá nhem tối. Tôi vội vàng xin phép các già làng ra về, để kịp quay lại thị trấn huyện tìm chỗ nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau khi lên UBND huyện Ngọc Lặc để tìm hiểu thêm tư liệu Hang Bàn Bù và chùa Nán, tôi được các cán bộ giới thiệu để gặp ông Bùi Hồng Nhi, nguyên là Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Ông Nhi hồ hởi đón tiếp tôi và nhiệt tình chia sẻ nhưng thông tin mà ông nắm rõ. Ông Nhi vốn là lính biên phòng người có vài chục năm đi lại vùng đất này, sau đó chuyển qua công tác ở lĩnh vực văn hóa nên những sự tích, huyền thoại, ngõ ngách của núi cao rừng xung quanh cụm danh thắng đều nằm gọn trong tâm chí anh.
Chẳng cần phải tài liệu, mỗi câu hỏi của tôi liên quan đến các địa danh trong vùng, ông Nhi kể vanh vách. Qua lời kể của ông, thì trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khu vực hang Bàn Bù là một trấn ải quan trọng chống giặc Minh tấn công vào trung khu của cuộc khởi nghĩa.
Hang Bàn Bù được chọn là địa điểm trú ẩn và tập hợp các binh Mường, suối Bàn Bù là phòng tuyến bên ngoài giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chiến thắng quân Minh mà tiêu biểu là chiến thắng Bàn Bù nổi tiếng vào tháng 11 năm 1420 đẩy lùi quân Minh mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn.
Không phải ngẫu nhiên mà tên gọi làng Ngán như ngày nay, vì làng này gần cửa hang Bàn Bù. Tại đây, đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của nghĩa quân Lam Sơn làm cho quân địch bạt vía kinh hồn đến độ ngán ngẩm mỗi khi đặt chân đến đất này. Và cái tên làng Ngán có từ thời đó theo dòng chảy của lịch sử đến tận ngày nay. Ngoài những di tích trong “ Linh sơn Bàn Bù Thiền tự” vùng đất lịch sử này còn có đền Mường Chẹ - làng Chiềng Quạc thờ Phò Mã và công chúa Lê Hoa, các đền thờ hai cha con tướng quân Lê Hiểm, gia đình Lê Lai, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Bồ.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, khu vực hang Bàn Bù được vua Lê Thái Tổ sắc phong cho dân bản tại đây tổ chức ăn mừng chiến thắng vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hằng năm. Từ đó đến nay lễ hội rước nước truyền thống này luôn được tổ chức và ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hấp dẫn.
Lễ hội rước nước hang Bàn Bù có hai phần là phần tế và phần hội. Trong phần tế, người dân trong làng phải chọn đội nam nữ khỏe mạnh để khiêng kiệu, rước nước gồm 18 người, 9 nam, 9 nữ có nhiệm vụ vác ống nước cùng thầy cúng đi vào hang lấy nước. Đúng vào giờ đẹp, các mâm lễ cúng được đặt trên các bàn thờ trong các đền để ông Ậu (thầy cúng) đến cúng. Lễ vật cúng gồm: Xôi, gà, thủ lợn, thịt lợn, bánh chưng, cau trầu, rượu chè, hoa quả... Ông Ậu làm lễ khấn thờ thổ công, thờ mẫu, thờ thành hoàng làng. Khấn xong, ông Ậu cùng đội rước nước vào hang Bàn Bù để cúng thần nước xin vía nước. Khi đến cửa hang, đoàn rước không được vào hang mà đứng chờ dưới chân hang.
Chỉ có ông Ậu cùng 9 đôi nam nữ được vào hang xin vía nước. Sau khi lấy nước ra cửa hang thì đặt bình nước lên kiệu rước về sân đền thờ mẹ nước (thủy lôi thần) cùng các vị chức sắc, các bô lão trong làng dâng hương, khấn vía nước. Tiếp đó ông Ậu cùng 7 thiếu nữ làm thủ tục hiến nước (chia nước) vào 7 bát. Họ dùng loại lá cỏ (gọi là cỏ trường sinh bất tử) để vẩy nước cho mọi người đến lễ hội. Sau đó đem nước đổ ra ruộng, ra sông, suối, bãi với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Ngay sau lễ hội rước nước các quý vị đại biểu của du khách và bà con bản hội đã được thưởng thức màn tái hiện lịch sử đấu tranh hào hùng đầy hy sinh gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn và cha ông ta qua phần biểu diễn võ thuật và cùng thưởng thức trò diễn Pồn pông với các trò chơi trò diễn độc đáo, thể hiện sinh động và đầy đủ nhất đời sống sinh hoạt của người Mường. Năm 2017 trò diễn pôn pông đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, cùng với đó là những lời chúc mừng nhiều ý nghĩa mang nét đẹp văn hoá độc đáo của người Mường do đội Phường Chúc biểu diễn.
Kết thúc lễ hội các đại biểu cùng thắp hương nơi điện chính và cùng với bà con nhân dân, du khách gần xa cùng thăm quan, vãn cảnh chùa và thăm thú kỳ tích hang động độc đáo của Thiền Tự trúc lâm Bàn Bù , lễ hội sẽ kéo dài trong khoảng 3 ngày với nhiều trò chơi, trò diễn và các hoạt động văn hoá thể thao du lịch. Lễ rước nước hang năm thu hút hàng nghìn người gồm các đoàn đại biểu, tăng ni, phật tử cùng các du khách thập phương tham gia, làm cho Lễ hội càng trở nên thiêng liêng, ý nghĩa giữa tiết trời Xuân ấm áp.
Năm 2005, hang Bàn Bù đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt ngày 15/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định công nhận điểm du lịch Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, xã Kiên Thọ và hang Bàn Bù, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc.
Được biết, phía chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng, tôn tạo một số hạng mục trước mắt phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và du lịch sinh thái, mạo hiểm. Tôi mong rằng thời gian tới cụm di tích này sẽ được quan tâm, biết đến nhiều hơn về giá trị danh thắng, lịch sử văn hóa, cùng với chính quyền địa phương các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm sẽ đóng góp xây dựng, tôn tạo di tích xứng đáng trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa, mỗi khi muốn khám phá miền tây Thanh Hóa. Đặc biệt, cùng Khu di tích Lam Kinh, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, Hang Bàn Bù sẽ tạo nên quần thể du lịch văn hóa lịch sử về triều đại Hậu Lê.