Trải qua chặng đường hình thành và phát triển, Hapro tự hào với thành tích 15 năm liền năm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Được công nhận Thương hiệu Quốc gia 6 lần liên tiếp; 14 năm đạt danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; 7 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; nhiều năm liền được vinh danh Top 10 Nhà bán lẻ uy tín…
Làn sóng Covid lần thứ 4 đã và đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, Đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn BRG) cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Chia sẻ từ vị nữ lãnh đạo trẻ, bà Đỗ Tuệ Tâm – Phó Tổng giám đốc Hapro: “Gần 2 năm qua, công ty đã đương đầu với những sóng gió chưa từng có trong lịch sử hình thành và phát triển”.
"Cơn bão" Covid mang lại tác động tiêu cực đến hầu khắp các lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty, từ xuất nhập khẩu với trọng tâm là các sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, tới kinh doanh thương mại nội địa như: Chuỗi siêu thị, minimart… Việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến sản xuất phần nào gián đoạn… bao nhiêu khó khăn lại được đổ dồn cho làn sóng Covid lần thứ 4 xảy ra tại Việt Nam.
Theo bà Đỗ Tuệ Tâm, những khó khăn liên tiếp ập tới càng khiến công ty phải sớm thích ứng và tìm cách “sống chung” với dịch bệnh.
“Đánh giá về ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi chú trọng vào thế mạnh của mình để tiếp tục phát huy. Tổng công ty Thương mại Hà Nội là doanh nghiệp kinh doanh chính trong lĩnh vực xuất khẩu với trọng tâm là xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm; kinh doanh thương mại nội địa gồm: phát triển chuỗi Siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, bán buôn, bán lẻ; Sản xuất hàng xuất khẩu và một số mặt hàng phục vụ hệ thống phân phối của Tổng công ty … Một số thương hiệu kinh doanh thuộc hệ thống của Hapro như Gốm Chu Đậu, Gạo Hapro Đồng Tháp, Thủy Tạ, Thực phẩm Hà Nội, Thời trang Hafasco, Vang Thăng Long,… Những sản phẩm này chủ yếu là những ‘mặt hàng thiết yếu’ cần thiết cho người dân trong thời kỳ dịch bệnh. Vì vậy, Hapro đã đẩy mạnh phát triển chuỗi siêu thị, song hành là phương án tìm hướng kinh doanh mới” – Phó tổng giám đốc Đỗ Tuệ Tâm chia sẻ.
Chính hướng đi đúng đắn trong đại dịch đã giúp Hapro biến “nguy thành cơ”, việc tìm hướng kinh doanh mới của vị lãnh đạo công ty nói đến là: “Đưa sản phẩm đến tận nơi khách hàng”.
Với chuỗi 76 siêu thị, minimart trải khắp đất nước, Hapro bước đầu đã làm được điều mình cần. Trong đại dịch, Hapro tiếp tục tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Hapromart, Haprofood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ…; Song hành với đó là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước phục vụ phát triển hệ thống bán lẻ.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Chúng tôi luôn nghiêm chỉnh chấp hành 5k của Bộ Y tế, trang bị đầy đủ khẩu trang, cồn sát khuẩn cho cán bộ công nhân viên, phương trâm là an toàn từ đại dịch trước khi phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phấn đấu để 100% cán bộ công nhân viên công ty tiêm đủ 2 mũi Vắc Xin cũng là nỗ lực rất lớn của Ban lãnh đạo, nó còn đến từ sự tạo điều kiện của cơ quan chức năng khi ưu tiên chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Chính từ những việc phòng chống dịch nghiêm túc như vậy, giúp Hapro yên tâm hoạt động để phục vụ người dân”, bà Đỗ Tuệ Tâm nhấn mạnh.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; thời gian qua, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, Hapro đã tích cực tham gia các hoạt động chung tay chia sẻ khó khăn thời điểm phòng, chống COVID-19 cùng TP. Hà Nội; trước đó, Quỹ từ thiện và phát triển cộng đồng Hapro đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện an sinh xã hội khác như hỗ trợ người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ cho đồng bào miền Trung, các vùng miền trên khắp cả nước bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thiên tai; đóng góp ủng hộ các quỹ an sinh xã hội, từ thiện… Quỹ từ thiện và phát triển cộng đồng Hapro đã được các cấp, các ngành đánh giá cao và nhận một số bằng khen, chứng nhận thành tích của Trung ương và Hà Nội.
Trong đợt giãn cách xã hội lần thứ 4 này, sản phẩm do Hapro cung cấp đã đến với bà con nhân dân vùng dịch thông qua chương trình xe buýt siêu thị 0 đồng, song hành cùng liên đoàn lao động TP. Hà Nội. Đây là hành động xuất phát từ lòng tự trọng và trách nhiệm với cộng đồng của Hapro. Tự trọng là việc mang tới tay người dân vùng dịch những sản phẩm chất lượng nhất, trách nhiệm là việc thực hiện chuyến xe 0 đồng chung tay cùng xã hội để vượt qua đại dịch Covid.
Bà Đỗ Tuệ Tâm chia sẻ, ba lĩnh vực mũi nhọn của Hapro là xuất khẩu, kinh doanh thương mại nội địa và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại. Trong đó, công ty tự hào khi có những sản phẩm là thương hiệu Quốc gia. Nổi bật có sản phẩm Gốm Chu Đậu – một sản phẩm Gốm mang nét đặc trưng văn hóa Việt Nam với hơn 900 năm lịch sử.
Với trọng tâm là các sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, Hapro nuôi giấc mơ đem thương hiệu Quốc gia đi khắp năm châu bốn bể. Tăng cường thúc đẩy xuất khẩu phấn đấu đưa thương hiệu Hapro trở thành một trong những thương hiệu mạnh của Việt Nam và thương hiệu xuất khẩu quốc tế lớn mạnh tại khu vực. Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới.“Sứ mệnh của Hapro phấn đấu vì lợi ích và sự hài lòng của khách hàng Việt Nam và quốc tế. Luôn coi khách hàng là trọng tâm, chúng tôi hướng tới một tập đoàn kinh tế đa ngành; có tiềm lực mạnh về tài chính và nguồn nhân lực. Định hướng trở thành một trong số những thương hiệu hàng đầu Việt Nam; có sức cạnh tranh cao với các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ”, bà Đỗ Tuệ Tâm cho biết.
Trải qua chặng đường hình thành và phát triển, Hapro tự hào với thành tích 15 năm liền năm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Được công nhận Thương hiệu Quốc gia 6 lần liên tiếp; 14 năm đạt danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; 7 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; nhiều năm liền được vinh danh Top 10 Nhà bán lẻ uy tín…
Xã hội hiện đại ngày càng coi trọng doanh nhân vì những đóng góp của đội ngũ này. Bà Đỗ Tuệ Tâm – Phó Tổng giám đốc Hapro cũng có những chia sẻ riêng của mình về vai trò của doanh nhân trong xã hội thời kỳ đổi mới.
Bà Tâm cho rằng, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Họ cũng là lực lượng quan trọng góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới; đồng thời nhập khẩu hàng hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ, phương thức kinh doanh và phương pháp quản lý kinh tế tiên tiến của thế giới về Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
“Cái hay của đội ngũ doanh nhân là góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt cũng trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ”, bà Tuệ Tâm phân tích.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm và sinh kế cho nhiều người lao động trên các vùng miền cả nước, đặc biệt là đội ngũ công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, miền núi, kể cả thương binh, bệnh binh, người yếu thế, người khuyết tật.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Covid-19 khiến cả thế giới lao đao cũng chính là thời điểm mà tầm vóc doanh nghiệp, doanh nhân Việt được khắc họa rõ nét nhất. Không chỉ bản lĩnh, kiên cường vượt qua khó khăn, họ còn đồng hành, chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ người dân, đối tác, hỗ trợ nước bạn trong phòng chống dịch…Có thể nói, chưa bao giờ, bản lĩnh, tầm vóc, tinh thần trách nhiệm, ý chí quật cường... của doanh nghiệp Việt lại thể hiện rõ như trong đại dịch Covid-19 lần này.
Bài viết: Xuân Tùng
Thiết kế: Hải An