Hộ kinh doanh hay doanh nghiệp chỉ là công cụ để người dân lựa chọn
00:32 | 08/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có các hộ kinh doanh ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp lớn vào nền kinh tế. Do vậy, để thúc đẩy họ phát triển hơn, các chuyên gia cho rằng cần có cơ sở pháp lý dành riêng cho khu vực này.
Số liệu thống kê cho thấy hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (HKD), trong đó có khoảng 1,6 triệu HKD có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu HKD không có đăng ký kinh doanh. Đáng chú ý là Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định khu vực doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ bao gồm hơn 700.000 DN đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu ví nền kinh tế Việt Nam như hình kim tự tháp, thì khu vực HKD là phần đáy, phần này sẽ quyết định sự vững chãi của nền kinh tế. Trong những năm qua, sự phát triển của HKD rất bền bỉ, 30% GDP tại khu vực kinh tế này gắn liền với nông nghiệp, nông thôn – là động lực của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, khung khổ pháp lý hiện hành chưa đảm bảo tự do, bình đẳng cho các hộ kinh doanh, các hộ này vẫn bị “trói buộc”, ít được bảo vệ khi tranh chấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn…
Chính vì thế, trong bối cảnh hội nhập, mọi nền kinh tế đều có thể phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nâng cấp, tạo thuận lợi cho HKD hoạt động; việc lựa chọn kinh doanh theo hình thức nào là quyền của người kinh doanh nhưng quyền lợi và trách nhiệm vẫn phải đảm bảo.
Do đó, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, phải công nhận hộ kinh doanh là 1 loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp hiện có 4 loại hình thì có thể thêm 1 loại nữa là HKD cá thể có đăng ký. Nghĩa là không bắt các HKD phải chuyển đổi, phải đổi tên, nhưng lại được bảo hộ trên cơ sở pháp lý.
Theo một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO chia sẻ, từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ, không khác gì việc thành lập hộ kinh doanh. Vì vậy, việc tồn tại “hộ kinh doanh” đã không còn hợp lý.
Bởi vậy, ông Đức cho rằng cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình DN, để không còn khoảng cách giữa HKD với DN, ít nhất là DN siêu nhỏ. Đối với 3,4 triệu HKD còn lại, ông Đức cho rằng Chính phủ không cần đặt ra vấn đề phải nâng lên thành DN, vì quy mô nhỏ và vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình lại cho rằng, nếu đề xuất HKD lên DN thành hiện thực thì rất nhiều đối tượng sẽ bị gây khó dễ, ngay cả từ khi hình thành ý tưởng và khi thực hiện. Bởi theo ông Lê Duy Bình, nếu “khoác áo” doanh nghiệp cho HKD cá thể và đưa vào Luật Doanh nghiệp thì sẽ có khoảng 5 triệu HKD vốn đang yên ổn hoạt động phải tiến hành đăng ký lại theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp.
Ông Bình cho rằng nếu phải tính thêm các chi phí tuân thủ khác mà các HKD cá thể phải gánh chịu sau khi tiến hành đăng ký kinh doanh thì đó sẽ là một con số khổng lồ và là sẽ một thách thức vô cùng lớn đối với khu vực hộ đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định. Ví dụ như tại Australia, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Australia sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh Australia (ABN), song sẽ tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Do vậy, ông Bình kiến nghị, các nỗ lực nhằm chính thức hóa HKD cá thể của Việt Nam cần khai thác thêm các hướng đi này nhằm tạo thêm sự lựa chọn nữa cho các hộ kinh doanh cá thể, thay vì chỉ có một con đường duy nhất là chuyển đổi thành công ty hoặc doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, Luật DN sửa đổi sẽ nhận trách nhiệm xử lý các vấn đề của hộ kinh doanh. Sứ mệnh của Luật DN sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực đầu tư. Nguyên tắc là cái gì đang cản trở quyền kinh doanh sẽ phải bãi bỏ, còn việc thiết kế chi tiết, đưa hộ kinh doanh vào hay đưa ra khỏi Luật DN chỉ là kỹ thuật pháp lý.
Vì vậy, việc lo ngại bắt ép các HKD phải trở thành DN để xử lý tồn tại về sự không rõ ràng trong khái niệm HKD sẽ không diễn ra. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc HKD sẽ tiếp tục là nơi trú chân cho những khoảng mờ trong hoạt động kinh doanh hay là nơi rủi ro cho quản lý nhà nước.
Cuối cùng, theo ông Hiếu, HKD hay DN, công ty TNHH... là những công cụ để người dân lựa chọn sử dụng cho mục tiêu kinh doanh một cách công bằng; phù hợp với quy mô, tính chất của mỗi loại hình để phát huy tối đa nguồn lực đầu tư.