Hướng dẫn thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

22:19 | 03/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập
Hiện nay, tình hình kinh doanh của công ty tôi không được tốt nên muốn sáp nhập vào công ty của anh trai. Tôi muốn nhờ tòa soạn tư vấn giúp tôi thủ tục sáp nhập công ty. Xin cảm ơn!
Hoàng Anh Quân (Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội)
Xin chào anh Quân, cảm ơn anh đã gửi thắc mắc về Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. Về vấn đề này, tòa soạn xin được tư vấn cho anh như sau:
Hướng dẫn thủ tục sáp nhập doanh nghiệp - ảnh 1
Ảnh minh họa
Theo quy định của pháp luật, để sáp nhập doanh nghiệp, trước hết hai bên phải tiến hành thành lập hợp đồng sáp nhập, điều lệ của công ty nhận sáp nhập. Trong đó hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ của công ty và người lao động.
Sau khi có hợp đồng sáp nhập rồi thì các công ty bị sáp nhập phải nộp hồ sơ xin xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và xin đóng mã số thuế lên cơ quan thuế quản lý, cơ quan bảo hiểm xã hội (nếu có), tổng cục hải quan (nếu có)…
Sau đó sẽ tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh công ty nhận sáp nhập tại sở kế hoạch và đầu tư:
- Hồ sơ xin sáp nhập doanh nghiệp gồm:
+ Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh
+ Điều lệ công ty nhận sáp nhập
+ Biên bản quyết định của chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của Công ty bị sáp nhập về việc sáp nhập công ty, thông qua hợp đồng sáp nhập và Điều lệ công ty nhận sáp nhập; bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nhận sáp nhập (nếu có)
+ Biên bản họp và Quyết định của chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của Công ty nhận sáp nhập về việc nhận sáp nhập công ty, thông qua Hợp đồng sáp nhập và Điều lệ công ty nhận sáp nhập; bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nhận sáp nhập (nếu có)

+ Hợp đồng sáp nhập

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập

- Sau đó tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trên đây là những thủ tục cơ bản để sáp nhập doanh nghiệp, tòa soạn hy vọng có thể giúp anh Quân sớm hoàn tất thủ tục sáp nhập với công ty của anh trai. 
Chúc anh mạnh khỏe và thành công!