Khối ngoại xả hơn 14.500 tỷ đồng trong tháng 4, mã nào là tâm điểm?
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, VN-Index dừng ở mốc 1.226,3 điểm, giảm 80,6 điểm, tương đương 6,2% so với cuối tháng 3, chủ yếu do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh mạnh trước những biến động về chính sách thuế quan. Đợt giảm mạnh này đã xóa sạch thành quả tích lũy trong hai tháng trước đó, đưa hiệu suất VN-Index quay về mức âm -3,2%.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, tăng 17,6% so với tháng trước. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE đạt 21.344 tỷ đồng, tăng 60,1% so với trung bình 5 tháng và đạt mức cao nhất trong 19 tháng gần đây.
Dòng tiền tập trung ở nhóm vốn hóa lớn VN30, với thanh khoản tăng vượt trội và chỉ số giá giảm thấp hơn thị trường chung. Ngược lại, dòng tiền yếu đi ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, kéo chỉ số của hai nhóm này giảm sâu.
Cổ phiếu “họ Vin” đóng vai trò quan trọng trong việc giữ VN-Index không giảm quá sâu. Bộ ba "VIC, VHM và VRE" đứng ở 3 vị trí đầu tiên đã góp hơn 21 điểm. Top10 cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index đã mang lại khoảng 29 điểm cho chỉ số chính sàn HOSE.
Ở chiều ngược lại, VCB là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên thị trường khi kéo giảm VN-Index gần 13 điểm, theo sau là GVR, BID với mức ảnh hưởng giảm lần lượt là 7,86 điểm, 6,93 điểm.
Trong tháng 4, hoạt động bán ròng của khối ngoại lên cao nhất kể từ đầu năm, với tổng giá trị lên tới 14.527 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, lượng vốn ngoại rút khỏi thị trường đã lên gần 42.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng gần 13.429 tỷ đồng trong tháng 4. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup với quy mô hơn 4.200 tỷ đồng, chiếm gần 30% giá trị rút vốn của khối ngoại trên toàn thị trường.
Động thái bán ròng lớn của khối ngoại chủ yếu đến từ việc SK Investment Vina II, một quỹ thành viên của SK Group (Hàn Quốc), tiếp tục thoái vốn khỏi Vingroup. Trước đó, vào tháng 1/2025, quỹ này đã bán gần 51 triệu cổ phiếu VIC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, không còn là cổ đông lớn và không bắt buộc công bố thông tin giao dịch.
Việc tiếp tục bán cổ phiếu VIC trong tháng 4 được xem là bước đi tiếp theo trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư quốc tế của SK Group.
Mặc dù bị khối ngoại bán ròng mạnh, cổ phiếu VIC vẫn có nhịp tăng 17,2% trong tháng 4 và trở thành quán quân đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Trước nhịp điều chỉnh gần đây, VIC đạt đỉnh ngắn hạn tại 71.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/4, cao nhất trong vòng 20 tháng kể từ tháng 8/2023.
Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng 1.840 tỷ đồng mã FPT của ông lớn ngành công nghệ thông tin. Danh mục xả ròng hàng nghìn tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có loạt đại diện như MBB (1.395 tỷ đồng), VCB (1.153 tỷ đồng), VNM (1.138 tỷ đồng), SSI (1.057 tỷ đồng). Ngoài ra, khối này còn bán ròng TPB, HCM, STB, KBC với quy mô 629 - 961 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu danh mục Top10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 1.304 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong Top mua ròng cũng là một cổ phiếu nhóm bán lẻ - MWG với quy mô 1.236 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại ưu tiên giải ngân vào một số mã như GEX (480 tỷ đồng), HVN (452 tỷ đồng), BMP (308 tỷ đồng), VRE (304 tỷ đồng), VCI (196 tỷ đồng), BVH (113 tỷ đồng), NVL (109 tỷ đồng) và VIX (102 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 440 tỷ đồng. Cụ thể, NĐT ngoại tập trung bán ròng 458,2 tỷ đồng ở cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO, theo sau là 146,4 tỷ đồng mã PVS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như SHS (12,8 tỷ đồng), MBS (6 tỷ đồng), VIG (5,3 tỷ đồng), ...
Trái lại, khối ngoại rót ròng hơn 104,3 tỷ đồng gom cổ phiếu NTP của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Cùng chiều, mã CEO cũng được mua ròng với quy mô 38,6 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của TIG, VGS, IVS, … với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 658 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 309,1 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 125,9 tỷ đồng mã MCH của Hàng tiêu dùng Masan. Giao dịch bán ròng với quy mô thấp hơn còn được chứng kiến ở ACV (59,7 tỷ đồng), OIL (57,6 tỷ đồng), NTC (37,2 tỷ đồng), ...
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 31,2 tỷ đồng ở cổ phiếu QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu KLB (4,5 tỷ đồng), HNG (1,1 tỷ đồng), CSI (0,8 tỷ đồng), VAV (0,6 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.