PV: Nhiều chuyên gia nhận định rằng chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô của Việt Nam cần phải được điều chỉnh để theo kịp những diễn biến mới của thế giới, ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ông Ruchik Shah – Tổng Giám đốc Ford Việt Nam: Theo tôi được biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc thúc đẩy và phát triển nền công nghiệp ô tô của quốc gia.

Hiện tại, các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) trong đó có Ford Việt Nam rất quan tâm và cũng có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển của ngành.

Như anh đã biết, hiện nay nhiều lĩnh vực đặc biệt có sử dụng công nghệ đều có sự biến đổi không ngừng và công nghiệp ô tô cũng là một ngành như vậy. Hiện nay những công nghệ được áp dụng trên xe hơi có thể thay đổi từng giờ.

Ngoài công nghệ, việc có được nhiều hiệp định thương mại FTA với các khu vực khác nhau phần nào cũng làm tác động lên các doanh nghiệp ô tô qua đó cũng ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển tổng thể. Một điểm nữa cũng có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trước đây đó là cam kết về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Việc tham gia vào cam kết này cũng sẽ phần nào làm thay đổi và có thể là đẩy nhanh hơn những chiến lược trước đây.

Do đó, việc đặt chiến lược dài hơi là phù hợp nhưng cũng cần xem xét và điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

PV: Ông có nói đến mục tiêu Net Zero phần nào sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành ô tô, ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?

Ông Ruchik Shah: Như anh đã biết tại COP 26, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Riêng với ô tô, trước đó Chính phủ đã ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022.

Đến hết năm 2024, tất cả các phương tiện mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Đây là những lộ trình rất cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu trên.

   Hệ thống hàn tự động tại nhà máy Ford Hải Dương (Ảnh: B.A). 

Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu này cần một nguồn lực rất lớn. Đối với ngành ô tô của chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy khó khăn về hạ tầng đó là việc khan hiếm nhiên liệu để có thể đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Tôi có thể lấy ví dụ về mẫu xe Ranger sử dụng động cơ dầu của chúng tôi để dễ dàng hình dung vấn đề này. Hiện nay, nguồn cung dầu DO 0,001S-V phải nói là rất hạn chế (Đây là loại nhiên liệu giúp động cơ Diesel có thể đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5).

Theo thống kê mới nhất từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cả nước có khoảng 1.200 trạm có bán dầu DO 0,001S-V, trong tổng số 17.000 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 7%. Trong đó, tại TP.HCM có khoảng 73 trạm bán dầu DO 0,001S-V trong tổng số hơn 580 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 13%. Hà Nội chỉ có khoảng 30 trạm, trong tổng gần 500 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 6%.

Sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn làm tăng lượng khí thải độc hại, vi phạm quy định về khí thải, để lại rất nhiều hệ lụy... Việc thiếu hụt nguồn cung này gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là ở các vùng xa trung tâm. Như vậy hạ tầng chưa đảm bảo vô hình chung khiến những chiến lược dài hơi kia sẽ gặp khó khăn và cần phải điều chỉnh.

PV: Với bề dày kinh nghiệm của mình tại các thị trường khác, họ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Ruchik Shah: Khi gặp vấn đề kể trên chúng tôi đã tham khảo thị trường Thái Lan và Ấn Độ. Tại 2 quốc gia này, theo đúng lộ trình áp dụng nhiên liệu Euro 6, các trạm xăng dầu cả nước sẽ thay đổi đồng loạt, chỉ bán một loại nhiên liệu Euro 6 (mức cao nhất), không bán các nhiên liệu Euro 4, 3, 2 phía dưới nữa.

Quá trình chuẩn bị được thực hiện đồng loạt từ Chính phủ đến các đơn vị cung cấp nhiên liệu và các công tác thay đổi thói quen người tiêu dùng. Trong đó, Chính phủ tại hai quốc gia này vô cùng dứt khoát và đồng bộ từ việc đưa ra chủ trương đến thực thi (thời điểm yêu cầu sử dụng nhiên liệu sạch chính thức có hiệu lực thì tất cả các điều kiện phải sẵn sàng). Trong khi đó, các trạm xăng dầu ở Việt Nam đến nay vẫn duy trì bán nhiều loại nhiên liệu, từ đạt chuẩn Euro 5 đến nhiên liệu đạt dưới chuẩn cao nhất này.

Theo tôi, các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc hay Australia không gặp vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu Euro 5 như Việt Nam vì họ có sự đồng bộ từ Chính phủ tới các cơ quan hữu quan, các cơ sở bán xăng dầu từ giai đoạn hoạch định chiến lược đến triển khai và đánh giá hiệu quả triển khai. Các nước phát triển như Mỹ hay các quốc gia châu Âu cũng không ghi nhận vấn đề tương tự. Có thể một vài thị trường Nam Mỹ sẽ gặp tình huống tương tự Việt Nam.

Những khó khăn này tiếp tục cho thấy vấn đề hoạch định chiến lược cũng như triển khai những chiến lược này cần đồng bộ. Nếu chưa thể đồng bộ hoặc triển khai ngay được thì cũng cần có điều chỉnh kịp thời.

PV: Vậy theo ông những điều chỉnh mới cần lưu ý đến vấn đề gì?

Ông Ruchik Shah: Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng, mạch lạc. Mục tiêu đặt ra hiện tại tương tự mục tiêu của các thị trường sở hữu tốc độ phát triển vượt bậc. Để đạt được mục đích, lý tưởng cao đẹp đã đặt ra, Việt Nam còn nhiều cơ hội để cải thiện quá trình lên kế hoạch (cần cụ thể từng bước) và triển khai trong thực tế. Ở Việt Nam, việc hoạch định chiến lược, lập kế hoạch và thực thi chưa thực sự đi liền với nhau. Đây là điểm Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

Quay lại với nội dung cần điều chỉnh trong chiến lược, cá nhân tôi thì cho rằng nếu điều chỉnh thì quan trọng nhất cần chú ý đến việc hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp FDI.

VAMA và các thành viên có bề dày lịch sử phát triển ấn tượng như Ford, Toyota, Honda đang tích cực tham gia vào quá trình phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Tất cả đều nỗ lực hình thành khung phát triển của ngành, bởi chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Đơn cử như Ford Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây vẫn tiếp tục hiện thực hóa những cam kết trước đây về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên mang những sản phẩm mới, tốt nhất đến khách hàng. Liên tục nâng cấp các trải nghiệm cho khách hàng và đặc biệt là tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nâng công suất nhà máy tại Việt Nam.

Những công ty nội địa hiện nay hiện nay có tiềm lực rất tốt. Tuy đã và đang gặt hái được nhiều thành công tại Việt Nam nhưng họ cần thêm kinh nghiệm về sản xuất cũng như kinh nghiệm bán hàng tại các thị trường quốc tế. Những doanh nghiệp FDI như tôi nói ở trên đã có kinh nghiệm ở cả trăm thị trường khác nhau, điều này nếu biết tận dụng sẽ giúp nền công nghiệp ô tô của Việt Nam có thể phát triển rất nhanh và đạt được thành tựu như mong đợi.

 

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị vừa rồi!

 

Bình An
Alex Chu
Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024