Kinh nghiệm nào cho hoạt động kiểm tra chuyển giá tại Việt Nam?

08:00 | 15/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đối chiếu với Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD) về chuyển giá, TS. Hà Thị Mỹ Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Kiểm toán nhà nước đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống chuyển giá và bài học cho Việt Nam.

Kinh nghiệm nào cho hoạt động kiểm tra chuyển giá tại Việt Nam? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Vấn đề chuyển giá và thanh tra, kiểm toán, kiểm tra hoạt động chuyển giá tiếp tục là đề tài nóng trên nhiều diễn đàn trong thời gian gần đây. Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, tham khảo phản ánh của truyền thông về chuyển giá của doanh nghiệp FDI, chính sách thuế, để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Tại Hội thảo "Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới" mới đây, các chuyên gia nước ngoài cho rằng chuyển giá không phải là một hoạt động bất hợp pháp mà chính sự khác biệt trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và một số nội dung trong Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) đang khiến người nộp thuế cũng như các bên tư vấn thuế còn quan ngại.

Yêu cầu đặt ra là phải làm sao để Nghị định 20/2017/NĐ-CP tiến đến sát hơn với những quy định của OECD.

TS. Hà Thị Mỹ Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế về chống chuyển giá và bài học cho Việt Nam, trong sự nghiên cứu sâu về những hướng dẫn mới nhất mà OEEC đưa ra nhằm hạn chế hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia.

Thứ nhất, về nguyên tắc chuyển giá: Nguyên tắc mới khuyến khích việc đánh giá chuyển giá dựa trên một bối cảnh lớn hơn, trong đó các tập đoàn xác định chính sách phân bổ lợi nhuận cho từng đơn vị liên kết xét theo mức độ đóng góp tương xứng trong chuỗi giá trị của tập đoàn.

Điều này đòi hỏi các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyển dịch từ cách đánh giá một chiều đi sâu vào xem xét thêm các thông tin, gia đình và bối cảnh chung để đánh giá phù hợp về vị trí của doanh nghiệp liên kết địa phương.

Cần tránh tiếp cận mang tính một chiều chỉ tập trung vào việc đánh giá các giao dịch, hợp đồng của doanh nghiệp liên kết nội địa mà chưa tính đến vai trò tương ứng của các doanh nghiệp liên kết khác trong cả chuỗi giá trị của tập đoàn đa quốc gia.

Thứ hai, về yêu cầu cung cấp thông tin: Hiện nay, cơ quan thuế rất khó tiếp cận thông tin liên quan đến các hoạt động xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia. Theo quy định mới, các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên phải tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin, bao gồm báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (country-by-country reporting) và Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu (group-wide master fle) và một số yêu cầu mới đối với hồ sơ quốc gia (local country file).

Trước khi có quy định về việc cung cấp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ có thể tiếp cận thông tin tài chính đối với các hoạt động ngoài nước sở tại trên cơ sở đồng thuận của cả đối tượng chịu thuế và cơ quan thuế nước ngoài.

Khi hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của đối tượng chịu thuế, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có thể tập trung, đi sâu vào các nội dung chính khi tiến hành thanh kiểm tra hoạt động chuyển giá.

Thứ ba, về thông tin tài chính và thông tin thuế minh bạch: Trước đây, không có sự trao đổi/rà soát thông tin giữa cơ quan thuế địa phương và các cơ quan thuế khác đối với thông tin do đối tượng chịu thuế cung cấp.

Hiện nay, gần 90 quốc gia tham gia vào một Thỏa thuận chung về việc tự động trao đổi thông tin về tài chính và thuế của các công ty đa quốc gia.

Ngoài ra, Chính phủ nhiều nước đang tăng cường áp dụng cơ chế chống chuyển giá (APA) đa phương. Với cơ chế trao đổi thông tin và áp dụng APA ngày càng rộng rãi, cơ quan thuế sẽ có thêm thông tin về các giao dịch chuyển giá cụ thể tại các quốc gia khác, cho phép cơ quan thuế đánh giá doanh nghiệp sở tại có được phân bổ ít lợi nhuận hơn so với doanh nghiệp tương tự trong cùng tập đoàn hay không.

Kinh nghiệm nào cho hoạt động kiểm tra chuyển giá tại Việt Nam? - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Thông qua hướng dẫn mới nhất của OECD về chuyển giá, theo TS. Hà Thị Mỹ Dung, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nghiên cứu hướng dẫn của OECD để hoàn thiện khung chính sách quốc gia tùy theo điều kiện cụ thể của mình.

Đó là, cần xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, phải đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan về các mối quan hệ kinh tế liên kết, việc xuất trình các tài liệu minh chứng; tạo lập các cơ sở dữ liệu về thông tin thuế, hải quan để so sánh đối chiếu trong nội bộ quốc gia, cũng như tăng cường trao đổi thông tin quốc tế. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực với chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân sự này phải được thường xuyên cập nhật kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.